Hà Nội không thiếu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020
Kinh tế - Ngày đăng : 18:43, 22/11/2019
Đến thời điểm này, việc chuẩn bị nguồn hàng Tết đã được triển khai tích cực với yêu cầu kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, giá cả; bảo đảm cho người dân Hà Nội không thiếu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, nhất là trong bối cảnh mặt hàng thịt lợn đang có nhiều biến động.
Doanh nghiệp tăng kế hoạch dự trữ hàng hóa
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt lợn tăng 22.300 tấn/tháng, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến nguồn cung giảm mạnh. Đàn lợn toàn thành phố giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến. Hiện, có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường trong hai tháng tết, với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 6-7% lượng hàng hoá so với Tết 2019. Các doanh nghiệp thương mại lớn như Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội... đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình từ 10-25% so với năm ngoái, với tổng giá trị tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, doanh nghiệp bán lẻ đã tăng dự trữ hàng hóa từ 30-50% so với năm trước”.
Còn theo bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông): “Để bảo đảm công tác bình ổn giá theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, cũng như của riêng doanh nghiệp, đơn vị đã tính toán và chủ động làm việc với nhà cung cấp nhằm bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của người dân trong suốt tháng cận Tết".
Tại hội nghị, các doanh nghiệp bán lẻ đều khẳng định sẽ bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong những tháng Tết, qua đó ngăn chặn việc các tiểu thương tại các chợ truyền thống tăng giá bất hợp lý.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết: “Siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, trong cơ cấu hàng hóa dự trữ có khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà. Đặc biệt, siêu thị cũng chuẩn bị các chương trình “khóa giá” bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết Nguyên đán; kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái... tổ chức các tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của Big C trên địa bàn Hà Nội”.
Để dự trữ thực phẩm tươi sống, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp bán lẻ đã chuẩn bị hệ thống kho bãi, kho lạnh để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường. Riêng với mặt hàng thịt lợn, ngoài việc khai thác nguồn hàng tại các tỉnh phía Bắc, các siêu thị sẵn sàng vận chuyển một lượng lớn từ thị trường phía Nam đưa ra tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
“Chúng tôi đã yêu cầu các nhà nhập khẩu và nhà phân phối chuẩn bị lượng hàng hóa tăng từ 30% đến 100% nguồn hàng so với Tết 2019, trong đó thịt lợn tăng 30%.... Vincommerce đã đề nghị Công ty Vissan vận chuyển một lượng lớn thịt đông lạnh trong thành phố Hồ Chí Minh ra hệ thống kho lạnh của Vincommerce tại tỉnh Bắc Ninh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô”, bà Bùi Hiền, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce chi nhánh Hà Nội cho biết.
Hà Nội chủ động nguồn cung thực phẩm dịp Tết
Trước những biến động mạnh của giá thịt lợn - thực phẩm truyền thống dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế một phần nhu cầu từ thịt lợn. Đồng thời, kết nối với các tỉnh, thành phố có sản lượng chăn nuôi thịt lợn cao, ít bị ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi để doanh nghiệp Hà Nội chủ động được nguồn cung thịt lợn cho thị trường Thủ đô.
Qua báo cáo của các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự chủ động của thành phố Hà Nội và các sở, ngành thành phố trong việc lên kế hoạch triển khai bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, dù đã chuẩn bị tốt, nhưng thành phố không nên chủ quan mà cần nắm bắt sâu sát đối với các mặt hàng thiết yếu; chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các doanh nghiệp trên địa bàn có trách nhiệm và cố gắng giữ mặt bằng giá ổn định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nêu rõ, trong tháng 11, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành triển khai kết nối cung cầu hàng hóa với 62 tỉnh, thành phố, đưa hàng hóa, sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành phố về thị trường Hà Nội.
Với mặt hàng thịt lợn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại tổng đàn trên địa bàn thành phố để xác định lượng cung. Sở Công Thương phối hợp với các tỉnh, thành phố đưa thịt lợn về Hà Nội, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Sở Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra việc bán theo giá niêm yết để xử lý nghiêm tình trạng tăng giá bất hợp lý, bám sát diễn biến thị trường để điều hành cung cầu. Các doanh nghiệp rà soát lại kho hàng tích trữ hàng hóa, phòng trường hợp biến động để cung cấp kịp thời cho hệ thống siêu thị, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá. Ngoài ra, các ngân hàng bảo đảm đủ tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn dự trữ hàng Tết...