Bổ sung công nghệ, nâng cao chất lượng cấp nước sạch
Xã hội - Ngày đăng : 09:20, 23/11/2019
- Xin bà cho biết, việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố được thực hiện như thế nào?
- Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước; kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý các hành vi xâm phạm công trình cấp nước, hành lang và khu vực an toàn công trình, mạng lưới cấp nước. Sở Y tế có chức năng định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra chất lượng nước của các đơn vị cấp nước. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ thường trực kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế ≥ 1.000m3/ngày đêm. Còn trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế < 1.000m3/ngày đêm. Hà Nội hiện có 64 cơ sở cấp nước ≥ 1.000m3/ngày đêm đang hoạt động ổn định.
Trong năm 2019, 64/64 cơ sở đều đã được kiểm tra từ 1 đến 3 lần. Các mẫu nước xét nghiệm phải được xét nghiệm tại phòng thí nghiệm đạt ISO/IEC 17025. Về tần suất xét nghiệm chất lượng nước tại cơ sở cấp nước: Xét nghiệm các chỉ tiêu mức độ giám sát A, B tối thiểu 1 lần/năm, xét nghiệm các chỉ tiêu mức độ giám sát C được thực hiện 2 năm/lần. Ngoài ra, khi thấy có dấu hiệu nước có nguy cơ không an toàn, chúng tôi còn tổ chức ngoại kiểm đột xuất. Bên cạnh đó, các đơn vị cấp nước phải thực hiện kiểm tra nội kiểm chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế. Việc báo cáo, công bố kết quả nội kiểm chất lượng nước do đơn vị cấp nước thực hiện. Kết quả nội kiểm do đơn vị cấp nước tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Việc để nhà máy nước tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sẽ xảy ra tình trạng, chất lượng nước mang đi xét nghiệm bảo đảm tiêu chuẩn nhưng chất lượng nước cung cấp trên thực tế không đúng như vậy, thưa bà?
- Riêng với những nhà máy lớn thường sẽ tự xây dựng phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật không buộc họ phải có cơ sở, trang thiết bị để xét nghiệm đủ 109 chỉ tiêu (gồm: 14 chỉ tiêu giám sát mức độ A, 17 chỉ tiêu giám sát mức độ B và 78 chỉ tiêu mức độ C). Nhà máy có quyền gửi mẫu đến đơn vị nào được phép và đủ điều kiện làm điều này. Khi đó, nhà máy tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc của mẫu nước. Để tránh tình trạng cơ sở lấy mẫu nước từ đâu, ở bể của họ, hay ở chai nước tinh khiết đóng bình, cũng không ai kiểm soát được, ngành Y tế đã phải tiến hành ngoại kiểm định kỳ như đã nói ở trên. Khi tiến hành ngoại kiểm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ phải đến tận nơi, quan sát tổng thể, lấy mẫu, đánh mã số mẫu, lập biên bản đóng dấu đỏ (niêm phong), trực tiếp vận chuyển bảo quản, xét nghiệm và trả lời kết quả. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ chịu trách nhiệm về mẫu nước đó. Chính vì vậy, việc tiến hành ngoại kiểm bảo đảm lấy đúng mẫu nước theo quy định và khách quan.
- Hiện nay, thành phố đang rất quan tâm đến việc nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp tăng cường đầu tư công nghệ xử lý nước hiện đại, bảo đảm chất lượng nước cấp đạt tiêu chuẩn uống tại vòi. Vậy tiêu chuẩn nước sạch uống tại vòi là như thế nào?
- Ngoài quy chuẩn về nước sạch là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành, chúng ta còn sử dụng QCVN 6-1: 2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai. Hiện nay, chúng ta chưa có tiêu chuẩn nước uống tại vòi. Với việc cấp nước sạch đô thị tại Hà Nội, hiện tại hầu hết các đơn vị cấp nước có công suất thiết kế trên 1.000m3/ngày đêm đều đáp ứng quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống. Khi đưa đến vòi sử dụng, tùy mục đích sử dụng khác nhau mà người ta có thể đánh giá thêm các thông số theo quy chuẩn chất lượng nước tương ứng. Cụ thể, nếu sử dụng uống trực tiếp tại vòi, cần đánh giá thêm chất lượng nước với QCVN 6-1:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai do hiện nay chưa có quy chuẩn chất lượng nước uống tại vòi.
- Vậy theo bà, với những nhà máy nước đủ điều kiện cung cấp nước sạch uống tại vòi thì người dân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng được không?
- Trên thế giới, hệ thống cấp nước sạch chạy thẳng từ nhà máy đến tận vòi của các hộ gia đình. Khi nguồn nước không bảo đảm, công ty sẽ phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, ở Việt Nam, có điểm đặc thù là nước sạch từ nhà máy đến các khu chung cư lại chảy vào bể trung gian, do đó bị gián đoạn. Bể trung gian này thường do ban quản lý tòa nhà chịu trách nhiệm. Ngay cả khi các bể này bảo đảm an toàn vệ sinh nhưng sự không đồng nhất chất lượng giữa các đường ống cũ, mới cũng là một vấn đề. Do đó, từ nhà máy đến nhà dân, chất lượng nước có thể thay đổi. Chẳng hạn như, chất lượng đường ống truyền tải có thể bị nhiễm bẩn hoặc như nước trước khi tới các hộ dân tại chung cư cao tầng, còn qua bể ngầm, bơm lên bể mái. Nếu các bể này không được thau rửa sạch, có thể khiến chất lượng nước khi tới người sử dụng có thể không còn bảo đảm đủ các tiêu chuẩn nêu trên.
- Trân trọng cảm ơn bà!