Công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1: Cho địa phương tự chọn sách
Giáo dục - Ngày đăng : 06:38, 23/11/2019
Quy trình thẩm định chặt chẽ
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/ QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông, làm căn cứ để các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Bộ cũng đã thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1… Sau 2 vòng thẩm định, có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 9 môn học, hoạt động giáo dục được đánh giá “Đạt”. Trên cơ sở các bản mẫu được đánh giá “Đạt”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định phê duyệt “Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông” gồm 32 bản mẫu sách giáo khoa cho 8 môn học, hoạt động giáo dục, trừ môn tiếng Anh. Toàn bộ các bản mẫu sách giáo khoa đều được thẩm định chặt chẽ, công khai theo đúng quy định.
Ông Thái Văn Tài cho biết, đợt này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ công bố bản mẫu sách giáo khoa cho 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; môn tiếng Anh là môn học tự chọn, bản mẫu sách giáo khoa môn học này sẽ được công bố cùng với việc công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa bổ sung, dự kiến trong tháng 12-2019. Hiện tại, còn 11 bản mẫu sách giáo khoa xếp loại “Không đạt”. Để bảo đảm nguyện vọng và quyền lợi của tác giả, Bộ sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu. Cũng theo ông Thái Văn Tài, toàn bộ các bản mẫu sách giáo khoa đều được thẩm định chặt chẽ, công khai theo đúng quy định.
Liên quan đến việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhóm tác giả, chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”, rà soát lại việc thẩm định sách giáo khoa nói chung, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sau khi thẩm định, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá “Không đạt” đối với 11 bản mẫu sách, trong đó có các bản mẫu sách giáo khoa môn toán, tiếng Việt và đạo đức (thuộc Chương trình thực nghiệm) do Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại chủ biên. Trong quá trình thẩm định, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã đối thoại công khai với tác giả sách 2 lần và tác giả sách không có ý kiến gì. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nhận được phản hồi nào từ phía tác giả. Trong thời gian tới, nếu có ý kiến liên quan đến vấn đề này, Bộ sẵn sàng tiếp tục đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng và đúng pháp luật.
Giáo viên chiếm đa số trong hội đồng chọn sách
Một trong những nội dung được quan tâm là đơn vị nào được giao quyền lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các nhà trường. Giải đáp mối băn khoăn này, ông Thái Văn Tài thông tin: Luật Giáo dục ban hành ngày 14-6-2019 quy định rõ: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Trả lời câu hỏi về việc thành phần của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa được quy định ra sao, ông Thái Văn Tài khẳng định: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Cụ thể, ngoài sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học thì yêu cầu bắt buộc phần lớn thành viên phải là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học.
Theo kế hoạch dự kiến, các địa phương phải hoàn thành việc chọn sách giáo khoa trước tháng 3-2020 và công bố rộng rãi, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khai giảng năm học 2020-2021 ít nhất 6 tháng. Về những băn khoăn liên quan đến giá sách giáo khoa, ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để có cơ chế về giá sách giáo khoa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Sách giáo khoa mới được biên soạn hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thay cho việc chú trọng truyền thụ kiến thức như chương trình hiện hành. Đáng chú ý, việc quyết định lựa chọn sử dụng bộ sách nào thuộc quyền của UBND cấp tỉnh với mục tiêu phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người học.
Theo Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT ngày 21-11-2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phê duyệt “Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông”, có 32 bản sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021. Trong số này có 24 bản thảo sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, số còn lại là của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm.