Làng Khương Hạ

Xã hội - Ngày đăng : 13:24, 02/03/2005

(HNMĐT) - Làng Khương Hạ, tên Nôm là làng Gừng, ngăn cách với làng Hạ Đình bởi sông Tô Lịch hiện đã được xây cầu bê tông qua, gọi là Cầu Trắng. Làng vốn là một trong ba thôn của của xã Khương Đình (Khương Thượng, Khương Trung và Khương Hạ) thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (từ 1831 là tỉnh Hà Nội, từ 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

(HNMĐT) - Làng Khương Hạ, tên Nôm là làng Gừng, ngăn cách với làng Hạ Đình bởi sông Tô Lịch hiện đã được xây cầu bê tông qua, gọi là Cầu Trắng. Làng vốn là một trong ba thôn của của xã Khương Đình (Khương Thượng, Khương Trung và Khương Hạ) thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (từ 1831 là tỉnh Hà Nội, từ 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

Từ năm 1915, ba thôn của xã Khương Đình được tách thành ba xã độc lập: xã Khương Thượng thuộc tổng Yên Hạ, xã Khương Trung thuộc tổng Hoàng Mai cùng nằm trong huyện Hoàn Long, còn xã Khương Hạ với 1921 nhân khẩu vẫn nằm trong tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì. Trong kháng chiến chống Pháp, ba thôn lại sáp nhập thành xã Khương Đình thuộc quận VI.

Hòa bình lập lại, lúc đầu xã Khương Đình thuộc quận VII ngoại thành Hà Nộ; về sau hai thôn Khương Thượng và Khương Trung thuộc khu Đống Đa (Hà Nội), còn thôn Khương Hạ được nhập với thôn Hạ Đình và hai xóm Đình, Chùa của thôn Thượng Đình thành xã Khương Đình. Năm 1961 xã Khương Đình được chuyển về huyện Thanh Trì. Theo Nghị định 74 CP ngày 22 - 11- 1996 về việc thành lập quận Thanh Xuân, xã Khương Đình được chia thành hai phường : Khương Đình và Hạ Đình thuộc quận này. Phương Khương Đình gồm 138, 9 ha và 5929 nhân khẩu của xã Khương Đình.

Làng có năm xóm : xóm Giữa, xốm Hồng, xóm Cầu, xóm Cò và xóm Chàm. Trong năm xóm trên thì xóm Giữa được coi là xóm gốc của làng, nên dân gian thường gọi xóm này là Khương Hạ). Tên xóm Cò được giải thích là xưa kia, xóm này đất đai rộng, người thưa thớt, chim cò thường về trú ngụ đông đúc nên gọi tên như vậy. Riêng xóm Chàm là xóm đặc biệt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là nơi tập trung tù binh Chiêm Thành từ thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Lói vào xóm có cổng rộng, hai cột trụ xây khá vững, trên có biển đề bốn chữ “Xóm đức long Chàm” như là bằng chứng cho luận điểm này. Qua hơn năm thế kỷ, những tù binh Chiêm Thành đã hòa huyết, hòa nhập với cư dân sở tại thành một cộng đồngbình đẳng, đoàn kết, cùng xây dựng làng xóm ở dải đất phía Tây Nam Thăng Long.

Đình làng ở xóm Giữa, thờ một vị nhân thần đời Lê Trung Hưng (1533 - 1789), không rõ tên tuổi, quê quán, chỉ biết duệ hiệu là “Trình Phùng ngự lâu Minh trị, Chính trực, chi tôn thần Đại vương”.

Tại hiên của đình làng hiện còn tấm bia “Khương Hạ học trường kỷ niệm bi ký” do Tú tài Nguyễn Duy Phan (người làng), làm quan Hàn lâm viện Đãi chiếu soạn ngày Tốt, tháng Tám năm Bảo Đại thứ tám (1933). Đây là bia của Hội Tư văn đặt tại Văn chỉ, nhưng nay Văn chỉ không còn nên dân làng chuyền về đình. Nội dung của bia khẳng định làng có ngôi trường, đây là bước đi đầu tiên của mọi học giả trên đường cử nghiệp, khuyên mọi người phải chăm chỉ học hành để được thành đạt, vinh hiển.

Làng có ngôi chùa Phong Lộc tự, được dựng thừ thời Lê Trung Hưng, hiện vẫn còn khá chắc chắn. Cùng với đình, chùa đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1993.

Làng còn có ngôi đền Tam phủ (Khương Linh từ), nằm cách đình khoảng 200 mét. Đây là đền thờ Tam Mẫu (Mẫu Địa, Mẫu Thủy và Mẫu Thượng ngàn), nên dân làng quen gọi là đền Nhà Bà. Tục thờ Tam Mẫu là biểu hiện của thờ nữ thần, thể hiện sự tôn vinh người phụ nữ, người mẹ (trong đền còn bức hoành phi “ Khôn đức hậu” - ân đức của mẹ sâu đầy chứng minh điều đó). Tục thờ Tam Mẫu còn thể hiện sự tôn thờ các lực lượng thiên nhiên, sự hòa đồng của con người với thiên nhiên, có ở nhiều vùng trên đất nước ta. Đền còn thờ “Tứ vị Hồng Nương” (ba mẹ con một hoàng hậu cùng một thị nữ nước Tống) chạy loạn sang Việt Nam bị chết đuối ở đền Cờn (Nghệ An). Đây cũng là biểu hiện của tục thờ mẫu, thờ nữ thần.

Từ một làng quê, đến nay, Khương Hạ đã trở thành phố phường đông đúc.

TS. Bùi Xuân Đính

LANHUONG