Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Điều tiết ngân sách linh hoạt, nền tảng để phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 18:51, 23/11/2019
- Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua được đánh giá là có nhiều đổi mới, góp phần giúp nguồn vốn ngân sách được điều tiết linh hoạt, hiệu quả, chống lãng phí. Đại biểu đánh giá thế nào về nhận định này?
- Đúng vậy, tại Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 vừa được thông qua, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020. Cụ thể: Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.
Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản thu; không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo các cam kết hội nhập… Sau khi đã bố trí vốn bảo đảm hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên, được bố trí cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương…
Những chỉ đạo cụ thể được nêu trong nghị quyết chắc chắn sẽ giúp việc phân bổ ngân sách trong năm tới được điều hành linh hoạt, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.
- Một trong những nội dung quan trọng được nêu tại nghị quyết là việc Quốc hội giao Chính phủ tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chống lãng phí và giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết... Đại biểu đánh giá thế nào về điều này?
- Tại nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội đã giao Chính phủ điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao và nhấn mạnh việc tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định…
Mục tiêu này đã được Quốc hội đặt ra từ nhiều năm trước và tiếp tục được thực hiện vào năm 2020 nhằm hướng tới mục tiêu chống thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng ngân sách. Tôi cho rằng, việc tiết kiệm chi thường xuyên sẽ tạo tiền đề quan trọng để tăng cường nguồn lực cho các địa phương. Bởi nguồn kinh phí tiết kiệm được từ cắt giảm chi thường xuyên sẽ được phân bổ về các địa phương để phục vụ các nhiệm vụ chi cần thiết.
Thêm vào đó, theo nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành, từ năm 2021 sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, thay thế cho bảng lương hiện nay. Việc tiết kiệm triệt để chi thường xuyên cũng sẽ tạo ra nguồn lực quan trọng để thực hiện đề án tiền lương từ năm 2021, cũng là động lực để các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa trong việc cắt giảm chi thường xuyên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.
- Vậy theo nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2020 nguồn vốn ngân sách chi cho đầu tư sẽ được thay đổi ra sao để hạn chế những bất cập như phân bổ chậm, dàn trải và hiệu quả chưa cao như thời gian vừa qua?
- Theo nghị quyết vừa được thông qua, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong luật và nghị quyết của Quốc hội có liên quan, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Như vậy, việc chi đầu tư trong năm 2020 sẽ được thực hiện theo đúng luật định, hạn chế được tình trạng phân bổ vốn ngân sách chậm, chia lẻ thành nhiều lần. Quy định được nêu tại nghị quyết cũng đòi hỏi chủ đầu tư phải chuẩn bị dự án tốt hơn thì mới được phân bổ ngân sách, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
- Có ý kiến cho rằng, việc thu hồi nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho những dự án kém hiệu quả trong năm 2020 sẽ góp phần tạo thêm nguồn lực cho các dự án đang bị đình trệ do thiếu vốn, sớm đưa các công trình này đi vào sử dụng và phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Điều này liệu có khả thi không thưa đại biểu?
- Vấn đề này hoàn toàn khả thi và cũng đã được nêu trong nghị quyết phân bổ ngân sách của Quốc hội. Trong năm 2020, Chính phủ sẽ thu hồi những nguồn ngân sách phân bổ không đúng, các nguồn vốn nợ đọng nhằm ưu tiên trả nợ đọng và phát sinh những khoản nợ mới.
Việc điều chuyển vốn từ các dự án kém hiệu quả sang những dự án cần vốn là việc trong tầm tay của Chính phủ và điều này cũng đã được Chính phủ nỗ lực thực hiện thời gian qua. Tới đây, chúng ta cần thực hiện việc điều chuyển vốn ngân sách linh hoạt, hiệu quả hơn, tránh tình trạng dồn đến cuối năm mới phân bổ.
Để nguồn vốn ngân sách được sử dụng hiệu quả, tôi cho rằng cần có thêm cơ chế xử lý hiệu quả hơn nữa nhằm ưu tiên nguồn vốn, thậm chí ưu tiên cả thủ tục nếu xét thấy dự án đó cần thiết và hiệu quả sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, cần kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu với những dự án đầu tư công chậm tiến độ theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thôi thúc các chủ đầu tư hoàn thành nhiệm vụ.
Với những quy định cụ thể được nêu trong nghị quyết, nguồn vốn ngân sách được điều tiết linh hoạt, hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng để nền kinh tế phát triển bền vững.
- Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!