Quyền lợi của học sinh phải đặt lên hàng đầu

Giáo dục - Ngày đăng : 06:24, 25/11/2019

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã thông tin, những ngày qua việc một số người dân huyện Mê Linh (Hà Nội) không đồng thuận trong việc triển khai dự án Công viên tưởng niệm Thiên Đường Thanh Tước nên đã cho con nghỉ học để gây sức ép, làm xáo trộn không nhỏ đến công tác dạy - học ở các nhà trường. Chính quyền địa phương và các nhà trường đã tích cực, khẩn trương tuyên truyền, vận động người dân tại đây cho con trở lại lớp học với mục tiêu đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu.

Kiên trì tuyên truyền, vận động

Bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cho biết: Sự việc bắt đầu từ ngày 14-11-2019 khi nhiều phụ huynh ở một số xã cho con nghỉ học; một số người còn tập trung tại các cổng trường ngăn cản học sinh đi học nhằm gây sức ép với chính quyền địa phương để dừng việc thực hiện dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước. Tổng số học sinh nghỉ học trong ngày 14-11 là hơn 1.500 em ở 5 trường học, trong đó có 3 trường thuộc xã Tam Đồng là: Mầm non Tam Đồng, Tiểu học Tam Đồng và Trung học cơ sở Tam Đồng; số còn lại là học sinh của 2 trường thuộc xã Thanh Lâm là: Mầm non Thanh Lâm A và Tiểu học Thanh Lâm A. Số học sinh nghỉ học bất thường tiếp tục tăng trong những ngày sau đó, và đỉnh điểm là ngày 18-11 với 2.028 em. Hầu hết học sinh đều nghỉ học không phép, một số em báo ốm hoặc bận việc gia đình. 

Học sinh trong giờ ra chơi tại Trường Tiểu học Thanh Lâm A sáng 22-11.

Trước tình trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và UBND huyện Mê Linh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Bà Trần Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Đồng cho biết, nhà trường đã yêu cầu giáo viên tích cực thông tin về kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 để phụ huynh nắm được tiến độ dạy - học, các quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh, về nhiệm vụ của học sinh... Còn bà Ngô Thị Trung Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Lâm A cho biết, ngoài việc tuyên truyền, vận động bằng hệ thống tin nhắn điện tử, giáo viên còn gọi điện thoại, trực tiếp đến nhà học sinh... 

Bà N.T. T (Thôn Cư An, xã Tam Đồng) bộc bạch: "Ban đầu gia đình cũng cho con nghỉ học vài ngày, sau được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo xã và các cô giáo Trường Tiểu học Tam Đồng, gia đình đã hiểu rõ hơn về chủ trương của Nhà nước cũng như thành phố Hà Nội và sự thiệt thòi của con mình nếu nghỉ học dài ngày. Vì vậy, gia đình đã yên tâm đưa con đến lớp học bình thường". 

Với những nỗ lực của chính quyền và các nhà trường, những ngày cuối tuần qua số học sinh nghỉ học giảm hẳn. Cụ thể, ngày 20-11, số học sinh toàn huyện nghỉ học có 1.875 em; ngày 21-11 còn 1.757 em; ngày 22-11 còn 1.543 em. Tính đến ngày 23-11 (thứ bảy), trừ các trường mầm non, tiểu học được nghỉ học, còn 213 học sinh Trường Trung học cơ sở Tam Đồng nghỉ học. 

Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Trần Thị Lan, để tạo sự chuyển biến hơn nữa trong những ngày tiếp theo, Phòng chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền các xã tích cực tuyên truyền, vận động học sinh quay trở lại lớp học. Bên cạnh đó, Phòng yêu cầu các nhà trường duy trì việc dạy - học nền nếp, ổn định; 100% giáo viên phải có mặt hằng ngày tại trường; phối hợp với chính quyền và công an địa phương bảo đảm an toàn trường học, hạn chế tối đa những nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Cô giáo Lê Thị Chi, Trường Tiểu học Thanh Lâm A cho biết, ngày 24-11, các thầy giáo, cô giáo cùng Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các thôn và lãnh đạo xã đã đến từng nhà để gặp gỡ, trao đổi, vận động người dân đưa con đến trường. Hầu hết phụ huynh học sinh cũng đã yên tâm, nhất trí đưa con đi học trở lại. 

Ngăn cản học sinh đến trường là vi phạm pháp luật

Trong những ngày qua, dù có những xáo trộn nhất định, nhưng các trường học trên địa bàn vẫn bảo đảm ổn định hoạt động dạy và học. Đối chiếu với chương trình giảng dạy của năm học, bà Trần Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tam Đồng khuyến cáo: Nếu nghỉ học nhiều, học sinh lớp 9 sẽ khó có thể tiếp cận đầy đủ các nội dung kiến thức, kỹ năng để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021. Nhà trường đã tích cực tuyên truyền và nhấn mạnh để phụ huynh học sinh hiểu rằng, nếu nghỉ học dài ngày thì chính các con phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. 

Còn bà Phạm Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Đồng thông tin, đây là thời điểm học sinh đang phải thực hiện các bài kiểm tra giữa học kỳ I năm học 2019-2020, nếu không thực hiện bài kiểm tra này là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Với học sinh lớp 1, hiện tại các em đang được học ghép chữ, đánh vần, làm phép tính... Nếu không tham gia đầy đủ các bài học, các em có thể sẽ khó biết đọc, biết viết và làm tính theo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của bài học. Việc tổ chức dạy bù, học bù cũng sẽ rất khó khăn bởi quỹ thời gian hạn chế, nhà trường lại đang trong quá trình xây dựng, cải tạo. 

Dưới góc độ của phụ huynh học sinh, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Tam Đồng cho rằng: Dù bất cứ lý do nào, việc phụ huynh học sinh không đưa con đến trường hoặc ngăn cản học sinh đến trường là vi phạm quy định của Luật Giáo dục, Luật Trẻ em... Để tạo sự đồng thuận, giúp người dân hiểu rõ chủ trương của Nhà nước và quyền lợi của con trẻ, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường đã tổ chức họp toàn thể cha mẹ học sinh. Nội dung được nhấn mạnh tới các bậc phụ huynh là phải đặt quyền lợi của con em mình lên hàng đầu; việc ngăn cản hoặc không cho con đến trường khiến các em là những người phải chịu thiệt thòi nhất. 

Nhấn mạnh hơn về điều này, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Trần Thị Lan bày tỏ, việc được đến trường là quyền lợi chính đáng của học sinh, được pháp luật quy định. Dù chưa đồng thuận về vấn đề gì thì người dân có thể nêu ý kiến, chứ không nên ngăn cản hoặc buộc các con nghỉ học bởi đây là những việc hoàn toàn khác nhau. 

Liên quan đến tình hình xảy ra trên địa bàn, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết thêm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quán triệt tới các trường học thực hiện đúng kế hoạch giảng dạy; tiếp tục tuyên truyền, vận động qua hệ thống loa phát thanh địa phương và trực tiếp đến từng nhà để giúp phụ huynh hiểu hơn về các quy định về quyền lợi của trẻ em, không để bị lợi dụng, làm ảnh hưởng đến việc học tập của con em mình. 

Theo luật sư Vũ Trần Thành - Đoàn Luật sư Hà Nội: Năm 2019 là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tại Điều 28 - Công ước quốc tế về quyền trẻ em nêu rõ: “Các quốc gia thành viên công nhận quyền của trẻ em được học hành...”. Tại Điều 16, Luật Trẻ em Việt Nam năm 2016 cũng xác định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân...”. Do đó, việc các bậc cha, mẹ học sinh ở một số xã của huyện Mê Linh bắt con mình phải nghỉ học là vi phạm Công ước quốc tế, vi phạm Luật Trẻ em.

Ánh Dương

Thống Nhất