Để sản phẩm OCOP “rộng đường” vào siêu thị
Kinh tế - Ngày đăng : 10:51, 25/11/2019
Sản phẩm vẫn khó vào siêu thị
Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Ba Vì có 2 trại chăn nuôi ở 2 xã Tản Lĩnh và Cam Thượng (huyện Ba Vì) với diện tích 3,5ha, quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Theo Giám đốc Công ty Nguyễn Thanh Vân, mỗi tháng, trang trại giết mổ khoảng 200 con gà và 150 con lợn, vừa cung ứng thịt cho thị trường, vừa chế biến giò, chả…
"Năm 2019, Công ty đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của thành phố. Sản phẩm của Công ty cũng đã tham gia vào hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Hà Nội, đăng ký nhãn hiệu “Lợn ốc quế. Chúng tôi muốn liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng chưa biết làm thế nào?”, bà Vân cho biết.
Đây cũng là mong muốn chung của nhiều chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP nhằm ổn định khâu tiêu thụ, tạo giá trị cao cho sản phẩm.
Chủ tịch UBND xã Kim An (huyện Thanh Oai) Đoàn Văn Huỳnh cho biết: "Xã có đặc sản cam đường. Người trồng cam chủ yếu tiêu thụ trên thị trường tự do. Chúng tôi rất muốn đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng giá thu mua thấp hơn giá thị trường nên người dân chưa mặn mà, các siêu thị lớn thì chưa vào được…”.
Trong khi người sản xuất còn loay hoay trong khâu kết nối thì nhiều siêu thị chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất. Theo Giám đốc Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) Khúc Tiến Hà, trên các kệ hàng của Siêu thị Big C đang có 50 sản phẩm OCOP đến từ các địa phương và rất nhiều nông sản, đặc sản vùng miền. Riêng nông sản, thực phẩm, siêu thị có 18.000 mã hàng, trong đó 96% mã hàng của Việt Nam.
Sản phẩm của Hà Nội chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn với khoảng 200/18.000 mã (chiếm 1,1%). Các sản phẩm OCOP, trong đó có nhóm nông sản, thực phẩm khó vào siêu thị do đơn vị cung ứng thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm…
Bà Bùi Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) - đơn vị đang quản lý “Chợ nhà mình” cho biết, để tham gia vào sàn giao dịch điện tử “Chợ nhà mình”, sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm tham gia vào chợ chưa nhiều.
Tiếp tục hỗ trợ sản xuất
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Hà Nội có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng tem điện tử thông minh QRcode… Đây là tiềm năng để phát triển OCOP. Từ lợi thế này, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 phát triển được từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP.
Để giúp các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đưa sản phẩm vào siêu thị, mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Siêu thị BigC Thăng Long tổ chức 85 gian hàng bán và trưng bày hơn 1.000 sản phẩm tham gia OCOP của Hà Nội và đặc sản các vùng miền của cả nước; tổ chức Hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống Siêu thị BigC và Go! Việt Nam.
Theo Giám đốc Siêu thị BigC Thăng Long Khúc Tiến Hà, để tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể tham gia OCOP khi muốn đưa sản phẩm vào siêu thị, đơn vị đã cử nhân viên về các địa phương tìm kiếm sản phẩm đặc trưng; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị...
“Hiện nay, BigC có các chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ nông dân và hợp tác xã với chiết khấu 0% nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý. Nếu bà con muốn đưa sản phẩm vào Siêu thị BigC, hãy liên hệ với chúng tôi” - ông Hà thông tin thêm.
Không chỉ với Siêu thị BigC, theo bà Bùi Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, với vai trò là chủ “Chợ nhà mình”, Trung tâm sẵn sàng kết nối với các chủ thể sản phẩm tham gia OCOP, giúp họ tiếp cận nhiều hơn với thương mại điện tử.
Còn theo ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam, hằng tuần, đơn vị tổ chức phiên chợ tại nhiều khu chung cư trên địa bàn Hà Nội với mục tiêu trực tiếp đưa sản phẩm tới tiêu dùng.
Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ khâu sản xuất về khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm... bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua chợ thương mại điện tử của thành phố.
Sắp tới, Hà Nội chấm điểm sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2019 để phân hạng sản phẩm theo tiêu chí “sao”. Khi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được chứng nhận, chắc chắn sẽ được các siêu thị và người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận…