Để tạo thêm “làn sóng” mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 26/11/2019
Trước hết, có thể khẳng định, doanh nghiệp chính là trung tâm, là động lực để phát triển nông nghiệp hiện đại 4.0. Và ở thời điểm này, Việt Nam cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp có tiềm lực và kỹ năng quản trị để dẫn dắt, hỗ trợ người nông dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm có chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường nông sản thời hội nhập. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng chưa được như mong muốn - doanh nghiệp chưa trở thành hạt nhân của 8,6 triệu hộ nông dân trên khắp cả nước. Tại Hà Nội hiện mới có 129 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; trong tổng số 33.160ha trồng rau chỉ có 119ha có nhà lưới, 15ha theo công nghệ tưới tiết kiệm; tổng số 5.470ha trồng hoa có 111ha ứng dụng công nghệ cao từng phần…
Tuy vậy, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn đang gặp nhiều trở ngại. Cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn có khoảng cách với thực tế, doanh nghiệp khó tiếp cận. Đơn cử, chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2017, đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 là tất yếu trong tiến trình hội nhập. Để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp phải có nguồn lực về vốn, đất đai, công nghệ, thị trường... trong đó, vốn và đất đai là hai yếu tố quan trọng. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, từ đó đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì trước hết, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những quy định, hướng dẫn liên quan đến tài sản đầu tư trên đất (nhà lưới, nhà kính…), tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp, vay vốn ngân hàng. Đồng thời, có thể nghiên cứu đa dạng các loại hình tài sản bảo đảm (thế chấp bằng phương án kinh doanh, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư…). Mặt khác, để giải quyết những rủi ro của nhà đầu tư (như diễn biến thời tiết, thị trường…), Bộ Tài chính cần có những quy định liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng và khách hàng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, từng bước xây dựng một hệ thống bảo hiểm nông nghiệp phù hợp yêu cầu phát triển.
Giải "bài toán" về đất đai, ngoài việc tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp thuê lại, các địa phương nên đẩy mạnh vận động người dân liên kết với doanh nghiệp góp đất cùng đầu tư. Về lâu dài, các bộ, ngành liên quan cần tích cực tham mưu sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các luật liên quan, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định và minh bạch cho tích tụ và tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, nhà đầu tư và lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế.
Sớm tháo gỡ những "rào cản" về nguồn vốn, đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là yêu cầu đang đặt ra từ thực tiễn. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục tạo ra "làn sóng" mới đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.