Bảo đảm khởi tố điều tra 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm

Đời sống - Ngày đăng : 14:06, 27/11/2019

(HNMO) - Chiều 27-11, Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án được Quốc hội thông qua với 448/453 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 92,75% tổng số đại biểu Quốc hội).

Đánh giá chung về kết quả công tác tư pháp, Nghị quyết nêu, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và xử lý vi phạm hành chính cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, hạn chế oan sai, tạo chuyển biến tích cực theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thực hiện quyền tư pháp, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đại bộ phận cán bộ làm công tác tư pháp tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế như việc chấp hành pháp luật trong khởi tố, điều tra tội phạm có trường hợp chưa nghiêm; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa tương xứng với tình hình thực tế. Công tác xét xử của một số tòa án vẫn còn tình trạng cho hưởng án treo, áp dụng tình tiết giảm nhẹ không đúng quy định của pháp luật…

Trên cơ sở đó, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao; ngăn chặn xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”; chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%.

Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%; 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều phải được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo các viện kiểm sát áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát; bảo đảm các quyết định phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn đúng pháp luật; không để xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội. 

Tòa án nhân dân Tối cao được yêu cầu có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%. Bảo đảm xét xử các vụ án hình sự nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm, có giải pháp tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này.

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Bảo Hân