Những người bạn quân hàm xanh của ngư dân
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:02, 27/11/2019
Làm tốt công tác phổ biến pháp luật
Tấp tàu cá CM 95134TS vào cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) sau gần 20 ngày đi biển, ngư dân Lê Văn May Anh (ấp 3, xã Khánh Hội) cười tươi cho biết chuyến đi biển này tàu anh trúng đậm, khai thác được trên 20 tấn cá các loại. Với giá cá trung bình khoảng 30.000-40.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí, 9 lao động trên tàu mỗi người mang về nhà hơn 15 triệu đồng.
Biển Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Phụ trách địa bàn là một trong những cửa biển lớn, tập trung nhiều tàu ghe hoạt động nghề biển, ông Quách Hoàng Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh) cho biết, nghề khai thác, đánh bắt cá của ngư dân Khánh Hội phát triển rất mạnh, nhất là đánh bắt xa bờ. Trong cơ cấu kinh tế của xã, thu nhập từ khai thác thủy sản chiếm tới 65%.
Điều đáng mừng là, nếu như trước đây hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ vi phạm vùng biển nước ngoài xảy ra khá nhiều (năm 2016 xảy ra 19 trường hợp), thì 2 năm trở lại đây, tình trạng này giảm rõ rệt. Năm 2018 còn 3 trường hợp và từ đầu năm 2019 đến nay, chưa xảy ra trường hợp nào. Có được điều này là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, trong đó Bộ đội Biên phòng là một trong những lực lượng chủ lực.
Đại úy Nguyễn Thanh Hải, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Khánh Hội (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Bên cạnh quản lý, giám sát chặt các tàu, thuyền ra vào vùng biển, đơn vị còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về đánh bắt thủy sản, vận động ngư dân không vi phạm đánh bắt tại vùng biển nước ngoài. Song song đó là việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, 180/186 phương tiện tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn xã đã hoàn thành lắp đặt. Nhờ đó, công tác quản lý, giám sát hoạt động của các phương tiện tàu cá càng thêm chặt chẽ. Khi tàu đi gần tới vùng biển nước ngoài, Đồn nhanh chóng phát tín hiệu, yêu cầu quay trở lại.
Nở nụ cười tươi, ngư dân Lê Văn May Anh bộc bạch: “Được Bộ đội Biên phòng tuyên truyền thường xuyên nên bà con ngư dân đã ý thức hơn, tuân thủ quy định đánh bắt hải sản. Có thiết bị giám sát, lại thêm quy định phạt nặng nếu vi phạm, nên ai cũng không dám làm bừa đâu”.
Giữ vững an ninh trật tự tại địa bàn, xây dựng các xóm, ấp không tội phạm, Đồn Biên phòng Khánh Hội còn triển khai lực lượng bám địa bàn, “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân.
Ông Quách Hoàng Khải thông tin thêm, Thông qua đội vận động quần chúng nằm rải rác tại các ấp, các chiến sĩ biên phòng phối hợp với UBND xã, tuyên truyền chính sách pháp luật, an ninh quốc phòng; mở các lớp tập huấn, hướng dẫn ngư dân kỹ thuật nuôi trồng giúp họ làm ăn kinh tế đạt hiệu quả hơn; đồng thời ngăn chặn ngay các vấn đề phát sinh trên địa bàn... Nhờ đó, tình hình an ninh tại địa phương luôn ổn định; ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của nhân dân nâng lên.
Ngư dân là người thân
Sát cánh cùng ngư dân không thể không nhắc đến mô hình Đội tàu an toàn được Đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, đã kết hợp với ngư dân địa phương tổ chức xây dựng với 27 phương tiện, 150 thuyền viên. Đây cũng là đội tàu an toàn được thành lập sớm nhất (từ năm 2006) trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo Đại úy Nguyễn Minh Tuấn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Rạch Gốc, với thực tế địa bàn có nhiều tàu cá công suất lớn hoạt động đánh bắt trên biển, việc xây dựng Đội tàu an toàn không chỉ giúp đỡ, tương trợ ngư dân trong hoạt động đánh bắt, đây còn là lực lượng cốt cán hỗ trợ lực lượng biên phòng trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
“Trên địa bàn có hàng trăm phương tiện có đủ điều kiện được kết nạp vào Đội tàu an toàn. Nhưng để vận hành thực sự hiệu quả, chúng tôi chọn các phương tiện có công suất lớn (trên 90 mã lực), trọng tải trên 50 tấn. Thành viên Đội tàu cũng phải là những người trung thực, nhiệt tình, sẵn sàng tương trợ cứu giúp tàu, thuyền gặp nạn”, Đại úy Nguyễn Minh Tuấn cho hay.
Tham gia Đội tàu an toàn từ những ngày đầu, anh Huỳnh Văn Thừa, Đội trưởng Đội tàu an toàn cho biết, các thành viên của Đội được Bộ đội Biên phòng tập huấn một số nghiệp vụ cơ bản như: Cách nhận biết tình hình bất thường trên biển; ứng phó khi có thời tiết xấu; kỹ năng tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển...
Cho đến nay, sau gần 15 năm đi vào hoạt động, Đội tàu an toàn đã tạo được niềm tin, là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân trên vùng biển Đông Cà Mau; luôn sẵn sàng cơ động để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra hoặc do Bộ đội Biên phòng điều động.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lý Văn Sử (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) - chủ tàu CM 95617TS vẫn chưa quên lần gặp nạn mới đây và may mắn được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Rạch Gốc, Đội tàu an toàn cứu hộ kịp thời.
“Ngày 11-10-2019, khi đang đánh bắt hải sản tại vùng biển gần Hòn Khoai cách đất liền hơn 17km, tàu cá của tôi bất ngờ chết máy. Sau khi phát tín hiệu cấp cứu, Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã kịp thời điều động tàu CM 99906TS của ông Hồng Chí Tâm (thành viên Đội tàu an toàn) cùng 3 thuyền viên và 4 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến tương trợ, kéo tàu vào bờ an toàn”, ông Lý Văn Sử kể lại.
Không chỉ xây dựng Đội tàu nhằm kịp thời hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn cho các ngư dân trên biển, Đại úy Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, các thành viên của Đội tàu an toàn cũng là những “tai mắt” giúp Bộ đội Biên phòng nắm tình hình an ninh trên biển. Nhờ đó, công tác an ninh trên địa bàn luôn được giữ vững, tình trạng trộm cắp trên các phương tiện, hoặc tranh chấp ngư trường không còn xảy ra như trước.
Chia tay Đất mũi khi ráng chiều đã tắt hẳn, tôi nhớ như in khẩu hiệu hành động của Bộ đội Biên phòng Cà Mau: “Biển cả là quê hương, ngư dân là người thân”. Quả vậy, nơi địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc, họ xứng đáng là điểm tựa tin cậy của ngư dân.