Quan trọng là lòng tin
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:26, 28/11/2019
Tuần trước, người viết gặp cộng tác viên là người công tác trong ngành Thể thao. Anh vừa đối thoại vừa loay hoay với chiếc điện thoại di động, có lúc buột miệng: “Xin lỗi, đến là điên đầu với những vị khách không mời!”. “Khách” của anh hóa ra là những dòng quảng cáo không được chờ đợi, “tự” hiển thị trên trang Facebook cá nhân. Anh chìa điện thoại ra, vuốt màn hình, chỉ cho người đối thoại thấy tần suất xuất hiện dày đặc của những dòng quảng cáo: Cứ sau 3 hoặc 4 status của “bạn phây” là một tin quảng cáo. “Chúng sống dai như đỉa, xóa tin quảng cáo này là lại “mọc” quảng cáo khác". Khoảng thời gian xuất hiện quảng cáo “không mời” thường kết thúc sau 1 - 2 ngày, và mỗi năm thường có vài đợt anh hứng chịu nỗi bực bội vì phải “tiếp khách” bất đắc dĩ.
Facebook giờ như chợ đầu mối, những trung tâm thương mại khổng lồ, chỉ có điều là ở đó người dùng không thể tận mắt thấy, tận tay cầm nắm sản phẩm hoặc đối diện với người bán. Những mẫu sản phẩm rao bán trên mạng được giới thiệu qua những bức ảnh lung linh, lời mô tả chất lượng cao, là “hàng xách tay”, “hàng xuất dư” được bán với giá “rẻ như cho” - không thuận lắm với nghĩa “tiền nào của nấy” nhưng có sức hút với nhiều người. Đã có người mua hàng qua mạng không nhận được sản phẩm chất lượng như lời quảng cáo. Hàng hóa được chuyển tới giống mẫu hàng được giới thiệu qua Facebook, nhưng chỉ là hàng “nhái” với chất lượng thấp.
Người ta nói rằng khách mua hàng online luôn là phía nắm lưỡi dao. Phía đăng quảng cáo có thể hiển thị địa chỉ shop, cửa hàng giới thiệu sản phẩm kèm nội dung quảng cáo nhưng cũng có khi chỉ đưa ra số điện thoại. Có người, khi nhận được sản phẩm có chất lượng và hình thức thực tế không như hình dung ban đầu đã tìm cách liên hệ với phía bán, nhưng khi điện thoại theo số đã được đăng tải thì không kết nối được... Những chuyện tương tự được phản ánh khá nhiều trên báo chí và mạng xã hội.
Không phải tất cả địa chỉ bán hàng online được đăng tải trên Facebook đều không đáng tin cậy, nhưng chắc chắn số làm khách hàng mất lòng tin có khá nhiều. Là khách hàng thông minh, không dễ bị lời quảng cáo “có cánh” làm mờ mắt, bạn nghĩ gì khi một bộ trang phục thể thao mùa đông được mô tả là “hàng xịn”, sản phẩm thương hiệu uy tín như Nike, Adidas... mà chỉ có giá vài trăm nghìn đồng?
Trên thị trường, dù với cách kinh doanh qua mạng hay bán sản phẩm trực tiếp thì đạo đức kinh doanh, uy tín của cơ sở cung cấp dịch vụ, hàng hóa luôn là yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Bằng cách quảng cáo thiếu trung thực, thậm chí là lừa đảo, một số người không chỉ tự đưa họ tới thất bại trong dài hạn mà còn gián tiếp làm hại người khác - những cơ sở bán hàng online có cách quảng cáo trung thực. Nhiều người mua phải hàng hóa kém chất lượng sẽ không còn niềm tin với hàng hóa được bán qua mạng, sẽ xóa sạch tin nhắn quảng cáo hàng hóa, dịch vụ hoặc đơn giản là không đọc chúng, bất kể phía đăng những dòng quảng cáo đó có uy tín đến đâu.
Tuy nhiên, dù đã có phản hồi thiếu tích cực thì trong tương lai gần, phương thức mua/ bán hàng qua mạng chắc chắn vẫn tồn tại và mạng xã hội vẫn là một kênh thông tin thương mại quan trọng đối với nhiều người. Vấn đề đặt ra là các giải pháp quản lý hoạt động quảng cáo qua mạng xã hội của phía cung cấp dịch vụ mạng không đủ hiệu quả để ngăn chặn tuyệt đối những nội dung quảng cáo độc hại hoặc mang tính lừa đảo. Bởi vậy, thay vì chờ đợi giải pháp quản lý tốt hơn từ họ, người tiêu dùng phải tự tìm cách bảo vệ mình.
Tốt nhất là chỉ nên coi nội dung được đăng trên mạng là thông tin ban đầu, từ đó tìm cách tìm hiểu trực tiếp chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng hàng hóa tại cơ sở giới thiệu sản phẩm trước khi đưa ra quyết định có mua hàng hay không. Loại bỏ thông tin quảng cáo không bao gồm địa chỉ liên hệ tin cậy và đăng tải ý kiến nhận diện cơ sở kinh doanh qua mạng thiếu trung thực, đó là cách ứng xử đúng đắn tiếp theo đối với lối kinh doanh thiếu đạo đức.