Bước đi đầy quyết đoán của EC
Thế giới - Ngày đăng : 07:12, 28/11/2019
Thực tế này xảy ra là bởi Anh đã từ chối nêu tên một đại diện chính thức tham gia vào nhiệm kỳ tiếp theo của EC, bất chấp sự giục giã từ phía EU. London viện dẫn quy định nội bộ nước này, theo đó chính phủ không được phép xúc tiến các đàm phán và thỏa thuận quốc tế, ngay cả với EU, trong thời gian chiến dịch bầu cử đang diễn ra. Theo đó, mặc dù đảng của Thủ tướng Boris Johnson dự kiến có thể giành được đa số ghế trong Quốc hội Anh tại cuộc bầu cử ngày 12-12 tới, song việc quyết định chọn ứng viên tham gia vào EC lúc này bị coi là trái luật.
Trước quyết định của phía Anh, EC đã có bước đi đầy quyết đoán nói trên. Cơ quan này cũng ra thông báo khẳng định việc bỏ qua vai trò của Anh đã mở đường cho việc bỏ phiếu chấp thuận về thành phần EC tại Nghị viện châu Âu (EP). Theo kế hoạch, danh sách các thành viên của EC được trình lên EP tại Strasbourg (Pháp) vào ngày 27-11 và bộ máy mới của cơ quan này sẽ nhậm chức từ ngày 1-12 tới.
Về phần mình, Chính phủ Anh cho biết sẽ không cản trở tiến trình thành lập EC và giữ nguyên lập trường không đề cử ủy viên đại diện trong EC khi bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần. Quan điểm này có thể sẽ khiến London phải đối mặt với một vụ kiện pháp lý từ phía EU, với cáo buộc không thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Maastricht (thành lập EU).
Theo quan điểm của Brussels, việc không đề cử ủy viên đại diện trong EC của Anh là không thể chấp nhận được, vì tiến trình nước này rời khỏi EU (được biết đến với tên gọi Brexit) hiện đã được hoãn tới ngày 31-1-2020. Điều này đồng nghĩa rằng Anh vẫn là thành viên với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ cần tuân thủ.
Vắng bóng Anh, EC sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong thời gian tới bởi cơ quan này có quyền lực to lớn đối với các quyết định của EU từ chính sách nhập cư cho tới vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu, điều phối ngân sách chi tiêu của các nước thành viên… Lâu nay, EC luôn bắt buộc phải có đầy đủ 28 đại diện từ các nước thành viên. Nhiều nhà phân tích tỏ ra lo ngại rằng, việc vắng bóng Anh có thể khiến các chỉ thị từ ủy ban mới đối mặt với các vấn đề pháp lý. Bên cạnh đó, do EC đồng thời là cơ quan giám sát cạnh tranh thương mại của EU, nên các quyết định chống độc quyền hay phê chuẩn sáp nhập trong thời gian tới rất dễ bị lung lay.
Hiện tại, Anh và EU vẫn đang trong thế “giằng co”, chưa đưa ra lời giải cuối cùng cho bài toán Brexit. Toàn bộ 27 thành viên còn lại của EC hiện đã chấp thuận đề nghị của London về việc hoãn tiến trình Brexit lần thứ ba. Tuy nhiên, điều này đi kèm điều kiện cụ thể là từ chối đàm phán lại thỏa thuận rời EU của Thủ tướng Johnson, đồng thời cho phép 27 thành viên còn lại EU họp về tương lai của khối mà không cần Anh. Vì vậy, ở góc độ nào đó, việc Anh không cử đại diện tham gia nhiệm kỳ EC tiếp theo cũng có thể coi là yếu tố thuận lợi cho việc ra quyết định của cơ quan này.
Tuy nhiên, diễn biến mới là minh chứng rõ nét cho thấy Brexit tiếp tục khoét sâu lỗ hổng trong hệ thống chính trị và tính thống nhất của EU. Điều này chưa đem tới hậu quả nghiêm trọng nào, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó lường, với tranh chấp thương mại và bất ổn địa chính trị không ngừng gia tăng, việc Anh không thể giải quyết khúc mắc nội bộ để đoàn kết ứng phó thách thức chung sẽ gây ra nhiều bất cập.