Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 28/11/2019
Lan tỏa những giá trị to lớn
Kể từ "Tết trồng cây" đầu tiên Xuân Canh Tý (1960) do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, đến nay, mỗi dịp đầu năm mới, mọi vùng miền, địa phương trên dải đất hình chữ S lại náo nức “Tết trồng cây” theo lời Bác dặn. Phong trào trồng cây, làm theo lời Bác đã ăn sâu vào mọi phố phường, làng xóm, được người người hưởng ứng nhiệt tình.
Soi rọi vào thực tế, có thể thấy quan điểm của Bác Hồ - “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” vô cùng xác thực. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp với những hệ lụy khó lường, hơn lúc nào hết, mỗi người Việt Nam lại càng thấm nhuần lời dạy của Người về việc trồng cây và bảo vệ môi trường. Để từ đó ý thức được rằng, trồng nhiều cây xanh không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế, đem lại màu xanh cho quê hương, đất nước mà còn giúp điều hòa khí hậu, ngăn chặn, giảm nhẹ thiên tai.
Nhiều năm qua, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã hưởng ứng tích cực phong trào trồng cây xanh và trồng rừng, bảo vệ rừng. "Mỗi nhà trồng một cây, mỗi người trồng một cây", cây xanh được trồng mới, phủ kín đất trống, đồi trọc tạo thành những "lá phổi xanh" cải thiện môi trường, cải thiện đời sống người dân, tạo cảnh quan cho đô thị, nông thôn. Nhiều mô hình trồng cây xanh bảo vệ môi trường, như: "Ngày chủ nhật xanh", "Tuyến đường tự quản"… đã lan rộng trên địa bàn cả nước. Đặc biệt công tác xã hội hóa trồng cây xanh trên các tuyến đường tại khu vực đô thị, các vùng nông thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.
Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã trồng được gần 178.000ha rừng tập trung và hơn 61 triệu cây phân tán; khoanh nuôi, khoán bảo vệ 6,5 triệu héc ta rừng. Đến nay, diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ trên toàn quốc là 13,8 triệu héc ta, tỷ lệ che phủ đạt 41,65%.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết, cùng với nhân dân Thủ đô, hằng năm xã đều phát động "Tết trồng cây" nhằm nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, lợi ích tác dụng của việc trồng cây gắn với phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì thế, mỗi năm trên địa bàn xã, người dân trồng được hàng nghìn cây xanh ở nơi cư trú...
Để Hà Nội ngày càng xanh
Hằng năm, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, thành phố Hà Nội đều phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. "Tết trồng cây" đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người Thăng Long - Hà Nội, góp phần làm cho Thủ đô thêm xanh, sạch, đẹp.
Chương trình trồng một triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu xây dựng Thủ đô “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” đã được thành phố triển khai rộng khắp; các cấp, các ngành và người dân hưởng ứng tích cực. Theo ông Vũ Kiên Trung - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, đến nay Chương trình trồng một triệu cây xanh của Hà Nội đã về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Nhiều chủng loại cây mới được trồng ở Hà Nội đã tạo nên những giá trị mới về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị như: Cây chà là, cây cọ dầu, bàng lá nhỏ, long não, lộc vừng... Chương trình trồng một triệu cây xanh đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều tuyến đường như: Đường Láng, Lê Văn Lương…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, sau khi hoàn thành Chương trình trồng một triệu cây xanh, Hà Nội tiếp tục trồng mới 600.000 cây xanh các loại trong giai đoạn 2019-2020. Riêng “Tết trồng cây Xuân Canh Tý năm 2020”, Sở NN&PTNT và các địa phương đang xây dựng kế hoạch, với số lượng cây trồng mới thiết thực, đồng thời lựa chọn kỹ về loại cây cho từng địa điểm, bảo đảm tiêu chuẩn cây trồng chất lượng tốt, có giá trị về nhiều mặt.
Chuẩn bị cho “Tết trồng cây Xuân Canh Tý năm 2020”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết, huyện đã có kế hoạch triển khai trồng 5.000 cây ăn quả tại các bờ vùng chuyển đổi lúa - cá, trong khu dân cư và 4.000 cây bóng mát trên các trục đường giao thông, nhà văn hóa, sân vận động, khuôn viên các trường học...
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ô nhiễm môi trường tiếp tục trở thành vấn đề "nóng", mỗi người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng càng thấm nhuần hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” để "làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.