Bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ vào ngày liền kề với dịp Quốc khánh 2-9: Người lao động phấn khởi
Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 28/11/2019
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội chọn bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm là ngày liền kề ngày Quốc khánh 2-9 vì đây là ngày Tết Độc lập. Người lao động sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động chào mừng kỷ niệm Quốc khánh 2-9...
Bày tỏ phấn khởi trước thông tin trên, anh Đoàn Chí Kiên, nhân viên Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long chia sẻ: “Qua báo chí tôi được biết, Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực. Trong khi đó, số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm ở mức trung bình thấp so với các quốc gia khác. Vì lẽ đó, Quốc hội quyết định bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ, không những vậy lại được hưởng nguyên lương là một việc làm hết sức ý nghĩa. Người lao động chúng tôi sẽ có thêm thời gian để vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Chưa kể, nếu ngày 2-9 mà vào dịp cuối tuần thì chúng tôi sẽ có 4 ngày nghỉ liên tiếp, thuận lợi trong việc về quê thăm gia đình, chuẩn bị cho các con bước vào năm học mới”.
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Thanh Hảo, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long cho rằng, đây là tin vui không chỉ cho người lao động, mà cho cả Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - một trong những cơ quan kiên trì đề xuất tăng ngày nghỉ lễ; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho người lao động và gia đình có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Chia sẻ niềm vui của người lao động, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn không đặt hết gánh nặng tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động lên người lao động, mà cần đánh giá đúng hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động. Theo đó, không những đề nghị tăng thêm ngày nghỉ lễ, đơn vị này đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ cũng nhất trí với quan điểm giảm giờ làm việc bình thường, để có sự bình đẳng giữa người làm việc trong khu vực hành chính nhà nước và doanh nghiệp. Song việc này tác động rất sâu rộng đến nhiều chủ thể, đối tượng. Điều quan trọng hơn là nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nên cần đánh giá toàn diện, sâu sắc và đầy đủ. “Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Chính phủ sẽ xem xét đánh giá dựa trên từng giai đoạn cụ thể để trình Quốc hội xem xét. Nếu điều kiện kinh tế - xã hội tốt lên, thì chúng ta có thể giảm dần thời giờ làm việc bình thường”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.