Quy định độ tuổi trẻ em tham gia mạng xã hội: Việc làm cần thiết!
Xe++ - Ngày đăng : 06:25, 29/11/2019
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ xây dựng quy định về độ tuổi khi trẻ em tham gia mạng xã hội. Thông tin này đang được dư luận rất quan tâm, trong đó đa số ý kiến cho rằng cần thiết phải có quy định cụ thể khi trẻ em tham gia "sân chơi" này...
Nhiều hệ lụy với trẻ em
Thời gian qua, trên mạng xã hội xảy ra không ít vụ việc nổi cộm như clip học sinh đánh nhau, chửi bậy... Không chỉ vậy, vì mạng xã hội là môi trường toàn cầu nên có không ít vụ kinh hoàng với cảnh xả súng giết người được đối thủ phạm tội phát trực tiếp (livestream), gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức non nớt của nhiều trẻ em. Thậm chí, trên môi trường mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hoạt động nguy hiểm cho trẻ em như lập tài khoản dưới dạng hướng dẫn vượt qua thử thách rồi ép... tự tử (như "thử thách Momo", "thử thách Cá voi xanh")... Đây là nỗi lo thường trực của không ít phụ huynh khi có con tham gia mạng xã hội.
Về thực tế này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định: "Có không ít trường hợp bố, mẹ lập tài khoản Facebook cho con khi con chưa đủ tuổi, đặc biệt là cung cấp số điện thoại có mã xác minh và cho trẻ sử dụng mạng mà không kiểm soát. Bản thân các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội có công cụ để kiểm soát, nhưng họ không thể làm hết, nên việc kiểm soát trước tiên vẫn là bậc phụ huynh...".
Ở góc độ của chuyên gia nghiên cứu về tâm lý, Tiến sĩ Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cảnh báo, môi trường mạng xã hội có nhiều nguy cơ với trẻ em, nếu bố mẹ không kiểm soát thì những clip độc hại sẽ gây hậu quả khôn lường...
Là lĩnh vực có thông tin luôn thay đổi và cập nhật những điều mới mẻ, mạng xã hội thu hút lượng người sử dụng khổng lồ. Nếu biết định hướng, mạng xã hội sẽ mang đến những lợi ích không ngờ và ngược lại. Chính vì thế, với đối tượng trẻ em, hiện các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cả trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, YouTube (Google) đều chung quy định chỉ cho phép người mở tài khoản mới từ 13 tuổi trở lên. Khi lập tài khoản, người dùng sẽ phải tự điền ngày, tháng, năm sinh và đặc biệt phải cung cấp số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (e-mail) để xác minh và chỉ sau khi xác minh thành công, tài khoản mạng xã hội mới có hiệu lực. Tất nhiên, cùng với việc phải cung cấp thông tin, nhà cung cấp nền tảng cũng yêu cầu người dùng phải đồng ý những điều khoản là tiêu chuẩn cộng đồng như không phát ngôn gây thù ghét, không kích động bạo lực... Quy định là vậy, nhưng các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội không thể kiểm soát tính chính xác của thông tin khi người dùng lập tài khoản...
Thống kê của Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam vừa công bố tháng 10-2019 đã minh chứng điều này khi cho biết, 51,2% dân số toàn cầu sử dụng internet, trong đó hơn 1/3 người dùng thuộc lứa tuổi từ 15 đến 24; 68% trẻ em tự học cách sử dụng internet và 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đăng tải internet... Thực tế này cho thấy, những thách thức hiện hữu cũng như nguy cơ đối với trẻ em khi tham gia mạng xã hội mà không được kiểm soát...
Trước tính cấp bách của việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội, tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, vấn đề này cũng được nhiều đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn. Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu ra các giải pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em. Một trong số đó, theo Bộ trưởng, chính là xây dựng quy định về độ tuổi của trẻ khi tham gia mạng xã hội...
Đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn dùng mạng xã hội
Mạng xã hội đã, đang tác động không nhỏ đến trẻ em nên các mạng xã hội đều có quy định giới hạn về độ tuổi người dùng mạng xã hội. Nhưng điều đó là chưa đủ và cần có thêm các quy định cụ thể để kiểm soát trẻ em khi dùng mạng xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Lê Vân Hà (ngõ 41 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa) - có 2 con đang học lớp 7 và lớp 11 - cho biết, gia đình đã lập tài khoản mạng xã hội cho các con, tuy nhiên các con chỉ vào mạng khi được phép, chủ yếu vào ngày nghỉ cuối tuần. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (công tác tại Công ty Luật WinCo, phố Trần Quốc Vượng, quận Cầu Giấy) cũng nêu quan điểm, vấn đề nằm ở chỗ giữa bố mẹ và con cái cần thống nhất những nguyên tắc khi cho con sử dụng mạng. "Gia đình tôi không cấm đoán con vào mạng vì thế giới thay đổi không ngừng và các con cũng cần tìm hiểm, khám phá xung quanh. Tuy nhiên, tôi vẫn kín đáo để ý khi con sử dụng mạng xã hội, nếu thấy không ổn sẽ nhắc nhở, phân tích tế nhị" - bà Mai kể.
Còn theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, từ thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay, việc Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đặt vấn đề cần có biện pháp kiểm soát trẻ em sử dụng mạng xã hội là rất cần thiết. Trong giai đoạn đầu, cơ quan quản lý nhà nước nên xây dựng bộ quy tắc hướng dẫn tham gia mạng xã hội và đẩy mạnh truyền thông tới người dân. Trong đó có hướng dẫn cụ thể về độ tuổi tham gia mạng xã hội để các bậc phụ huynh hiểu, từ đó định hướng cho con em mình. Cơ quan chức năng nên nghiên cứu và có quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người giám hộ trong việc quản lý con em mình tham gia, sử dụng mạng xã hội nếu chưa được phép và đó cũng là thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật mà Nhà nước đã ban hành về quyền trẻ em.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh cho biết, Việt Nam có đầy đủ quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, kể cả bảo vệ trên môi trường mạng. Vấn đề hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật cũng như trách nhiệm của cha mẹ trong việc để con tham gia mạng xã hội. Cùng với đó phải có chế tài cụ thể, như xử phạt cha mẹ nếu không kiểm soát, để trẻ em sử dụng mạng xã hội vi phạm các quy định pháp luật...
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Công an về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục kỹ năng sống trên không gian mạng cho trẻ em vào từ cấp phổ thông.