Cùng hành động để kết thúc HIV/AIDS
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:50, 02/12/2019
Cả thế giới xắn tay vào cuộc, nhưng đến thời điểm này vẫn không có vắc xin, chưa có thuốc điều trị khỏi “căn bệnh thế kỷ”. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, vẫn có khoảng 1,7 triệu người, trong đó có 200.000-250.000 trẻ em có HIV được phát hiện mỗi năm.
Ở Việt Nam, kể từ trường hợp có HIV đầu tiên được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1990, tính đến tháng 9-2019, số người có HIV ở nước ta là hơn 315 nghìn người, số người tử vong do AIDS là hơn 103 nghìn người. Mỗi năm, có gần 10.000 người nhiễm mới. Với riêng Hà Nội, tính đến hết tháng 10-2019, đã phát hiện 28.421 người có HIV, trong đó có 22.328 người còn sống; ước tính còn khoảng 5.000 người có HIV chưa biết được tình trạng của mình.
Vì thế, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay (từ ngày 10-11 đến 10-12) với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12) là dịp để nhìn lại kết quả đạt được trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2020; để cả cộng đồng cùng hiểu thêm về "căn bệnh thế kỷ", cùng chung tay ngăn ngừa, hướng tới mục tiêu kết thúc bệnh dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Ngay từ khi HIV/AIDS được phát hiện, Chính phủ đã hình thành bộ máy tổ chức phòng, chống từ trung ương đến các địa phương. Đầu tiên là Ủy ban quốc gia Phòng, chống SIDA; tiếp đến là Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS (năm 1994). Đến năm 2000 đổi tên thành Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS, ma túy và mại dâm, do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Không dừng lại ở đó, việc củng cố hệ thống tổ chức của công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hành lang pháp lý tiếp tục được đẩy mạnh, với 3 cột mốc: Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-5-2005 về việc thành lập Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam thuộc Bộ Y tế; Quốc hội khóa XI ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007; Quyết định số 608/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25-5-2012 phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”.
Sau những nỗ lực đầu tư công sức, tài chính không mệt mỏi, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, chúng ta đã đạt được những bước tiến ấn tượng. Trong 11 năm liên tiếp, từ năm 2008 đến 2019, dịch HIV/AIDS được kiểm soát dưới 0,3%, giảm cả 3 tiêu chí (số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS, số người tử vong do AIDS); việc điều trị ARV tiếp tục được mở rộng cho 140 nghìn người bệnh; chuyển đổi điều trị từ viện trợ sang bảo hiểm y tế với hơn 40 nghìn người bệnh đang nhận thuốc ARV. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong phong trào “Không phát hiện = Không lây truyền” và là mô hình mẫu cho Zambia, Ấn Độ, Campuchia, Nigeria tìm hiểu và học tập…
Nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống HIV/AIDS đã được quốc tế đánh giá cao, như ông Eamonn Murphy, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận xét: Năm 2014, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người có HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% số người có HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp và ổn định). Việt Nam luôn rất nhanh nhạy trong việc áp dụng các sáng kiến mới và giải pháp mang tính thực tiễn cao; trở thành điểm sáng cả trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu trong công tác phòng, chống AIDS.
Việt Nam đã và đang đi đúng hướng trong phòng, chống HIV/AIDS, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức mới: Số người có HIV thuộc nhóm 16-25 tuổi và tỷ lệ có HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam có xu hướng tăng; Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình nên các chương trình, dự án quốc tế đang rút dần tài trợ…
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia y tế cộng đồng, để nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS, bên cạnh việc tiếp tục chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người sống chung với vi rút HIV, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ dự phòng, chăm sóc tới điều trị; tập trung thúc đẩy hơn nữa các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS... Hơn hết, mỗi người cần hiểu rõ, cùng hành động ngăn chặn, không để lây lan căn bệnh này. Với tiến bộ của y học, những người có HIV không còn mang “bản án tử hình” nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Người có HIV/AIDS được nhìn nhận như những bệnh nhân cần được chăm sóc, chia sẻ; để những người có HIV đều biết chính xác bệnh tật của mình, được điều trị một cách quy củ bởi hệ thống y tế.
“Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS” có nghĩa mỗi chúng ta cần chung tay để 10, 15 hay 20 năm nữa, Ngày Thế giới phòng, chống AIDS sẽ là một dịp để Việt Nam nói riêng, cả thế giới nói chung ghi nhận và tự hào về thành tựu lịch sử: Chấm dứt HIV/AIDS để cuộc sống tốt đẹp hơn.