Dành băng tần "kim cương” cho dịch vụ di động
Xe++ - Ngày đăng : 11:31, 02/12/2019
Sẵn sàng khai thác
Theo ông Lương Xuân Trường, Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông), trước đây băng tần 694-806MHz (thường gọi là băng tần 700MHz) được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam quy hoạch để cung cấp dịch vụ truyền hình tương tự mặt đất (analog). Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ, ngày 27-12-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án Số hóa truyền hình), trong đó quy định trước ngày 31-12-2020 kết thúc phát sóng truyền hình analog tại 63 tỉnh, thành phố chuyển sang truyền hình số mặt đất.
Cũng từ cuối năm 2015, tại hội nghị thông tin vô tuyến điện thế giới lần thứ 15 tại Thụy Sĩ, Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) - một tổ chức của Liên hợp quốc về viễn thông và công nghệ thông tin, đã phân bổ băng tần 700MHz dành cho dịch vụ di động. Bởi, băng tần 700MHz sẽ cung cấp vùng phủ sóng rộng lớn hơn, rất có lợi đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ông Lê Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện thông tin, đến thời điểm này, băng tần 700MHz đã được “giải phóng” ở các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Nam Bộ; được “làm sạch” tại các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Trung, trừ khu vực huyện miền núi. "Sau khi kết thúc quá trình số hóa truyền hình trước ngày 31-12-2020, gồm các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc và Tây Nguyên, chúng ta sẽ có toàn bộ băng tần 700MHz để đưa vào phát triển dịch vụ di động", ông Lê Tuấn nhấn mạnh.
Số liệu của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cho thấy, hiện nay thế giới đã có 100 nước thực hiện quy hoạch băng tần 700MHz dành cho di động, trong đó có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấp phép sử dụng băng tần 700MHz cho mạng di động 4G, 5G; hơn 50 nhà mạng đang cung cấp dịch vụ di động ở băng tần 700MHz và phần lớn là mạng 4G.
Tiết kiệm cho doanh nghiệp
Vậy cơ quan quản lý nhà nước đã có phương án gì về sử dụng băng tần 700MHz cho dịch vụ viễn thông?
Theo ông Lê Tuấn, cùng với việc triển khai số hóa truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quy hoạch băng tần 700MHz để sử dụng cho dịch vụ viễn thông. Từ tháng 10-2017, Bộ đã ban hành một số văn bản quy định việc chuyển đổi kênh tần số truyền hình mặt đất dành cho di động. Bộ cũng đã lấy ý kiến các bộ, ngành... liên quan về dự thảo quy hoạch băng tần 700MHz dành cho hệ thống thông tin di động và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phân tích thêm, ông Lương Xuân Trường cho biết, băng tần 700MHz được coi là băng tần “kim cương” vì có giá trị thương mại rất cao. Cụ thể, nếu so sánh với các băng tần đã quy hoạch cho dịch vụ di động như 900MHz, 1800MHz hay 2100MHz, thì băng tần 700MHz có ưu điểm vượt trội về khả năng truyền sóng. “Sử dụng băng tần 700MHz sẽ giúp nhà mạng giải quyết được bài toán mở rộng vùng phủ sóng ở cả khu vực thành thị, nông thôn và miền núi. Trong bối cảnh băng tần 900MHz vẫn tiếp tục được sử dụng chủ yếu cho các mạng 2G, 3G, thì băng tần 700MHz có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển mạng 4G, 5G, giúp nhà mạng có thể cung cấp được dịch vụ giá rẻ hơn cho người dùng...”, ông Lương Xuân Trường nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, từ đầu năm 2018, đại diện các Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã kiến nghị cơ quan quản lý sớm cho nhà mạng thử nghiệm 4G ở băng tần 700MHz. Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, băng tần 700MHz với lợi thế về kỹ thuật sẽ giúp các nhà mạng giải quyết được những bất cập trong cung cấp dịch vụ tại các thành phố tập trung đông dân cư, mật độ các tòa nhà chung cư cao, bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dùng. Đặc biệt, vùng phủ của băng tần 700MHz dự tính cao gấp 2 lần so với các băng tần từ 1800MHz trở lên, sẽ giúp nhà mạng thuận lợi hơn khi triển khai mạng lưới di động tại cả thành phố và khu vực nông thôn. Cũng theo ông Tào Đức Thắng, ước tính chi phí đầu tư thiết lập mạng lưới ở băng tần 700MHz chỉ bằng 1/3 so với các băng tần khác.
Theo Tập đoàn VNPT, một trong các phương án khai thác băng tần 700MHz là các nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ IoT (internet kết nối vạn vật), đáp ứng hầu hết các nhu cầu dịch vụ, giải trí trong cuộc sống cho người dân, doanh nghiệp...
Cơ quan quản lý đã và đang có những bước chuẩn bị để triển khai cấp phép băng tần 700MHz, sau khi số hóa truyền hình. Đây là bước tạo điều kiện cho các nhà mạng triển khai dịch vụ 4G, 5G nhanh hơn nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược đưa internet băng rộng đến 95% dân số vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra.