Hệ thống cấp cứu trước viện: Cần được “cấp cứu”
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:26, 02/12/2019
"Trắng” về dịch vụ, hậu quả khó lường
Sau hơn 1 năm điều trị đột quỵ, sức khỏe của bà Nguyễn Thị Chí (62 tuổi, ở ngõ 48 đường Ngô Gia Tự, phường Việt Hưng, quận Long Biên) đang dần hồi phục. Bà Chí nhớ lại: "Khi tôi rơi vào trạng thái rối loạn nhận thức, không nói được…, con tôi đã gọi điện đến Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Nhờ được các nhân viên y tế sơ cứu kịp thời trước khi vào bệnh viện nên tôi may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần".
PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, thời gian vàng để xử trí đột quỵ là trong vòng 3-4 giờ đầu, kể từ lúc có dấu hiệu bệnh. Nếu người bị đột quỵ không được sơ cứu đúng cách, chuyển đến bệnh viện trễ, qua thời gian vàng, cơ hội sống trở nên rất mong manh. Thậm chí, nếu qua được cơn nguy kịch, bệnh nhân cũng phải đối mặt với những di chứng nặng nề về thần kinh, vận động…
Chung nhận định, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nếu không được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng có thể dẫn tới tình trạng bệnh nặng hơn, thời gian điều trị dài, thậm chí nguy cơ tử vong cao hơn.
Thực tế, cấp cứu trước viện kịp thời, đúng cách là tiền đề quan trọng nâng cao khả năng cứu chữa người bệnh tại bệnh viện. Thế nhưng, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc cấp cứu trước viện hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố, nhiều khu vực, địa bàn còn “trắng” về dịch vụ cấp cứu trước viện. Hiện mới có 11 địa phương có trung tâm cấp cứu 115 công lập; 7 địa phương có trung tâm cấp cứu 115 của tư nhân; 18 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có tổ cấp cứu 115.
Tiến sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, 10 tháng của năm 2019 trung tâm thực hiện 32.458 chuyến cấp cứu, đáp ứng 99% yêu cầu vận chuyển. Nhu cầu cấp cứu lớn nhưng hiện Trung tâm chỉ có 22 xe cứu thương, trong đó 1 chiếc đã hỏng và những chiếc còn lại cũng đã có thời gian sử dụng khá lâu. Mạng lưới cấp cứu lại mỏng, chỉ có 5 trạm trực cấp cứu, gồm: 1 trạm ở trung tâm và 4 trạm vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì, Trung tâm Y tế quận Long Biên và Trung tâm Y tế quận Hà Đông. Nếu nhận được yêu cầu vận chuyển cấp cứu ở xa, như thị xã Sơn Tây, thì phải mất cả tiếng đồng hồ, xe cấp cứu mới có thể tới nơi. Ngoài ra, nhiều trang thiết bị phục vụ cho cấp cứu cũ, hỏng, xuống cấp và chưa có thiết bị cấp cứu nâng cao, như: Máy thở, máy ép tim, monitor để đo vào theo dõi các chỉ số của bệnh nhân…
Theo kết quả nghiên cứu về cấp cứu trước viện tại các bệnh viện tuyến trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế chỉ có khoảng 7% bệnh nhân được xe cấp cứu đưa đến và gần 54% bệnh nhân tới bệnh viện bằng phương tiện cá nhân. Ở Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 10% bệnh nhân được đưa đến bằng xe cấp cứu và hơn 62% bệnh nhân tới bệnh viện bằng phương tiện cá nhân… Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai nhận xét, nhiều bệnh nhân trước khi được đưa tới bệnh viện không được cấp cứu ban đầu, không được kiểm soát các chức năng sống, như: Đường thở, tuần hoàn…, không được băng bó, cầm máu, cố định xương gãy...
Tăng cường kết nối mạng lưới cấp cứu
Trước những đòi hỏi cấp bách về nhu cầu cấp cứu trước viện của người bệnh, Bộ Y tế đã giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh phải xây dựng ngay đề án về tăng cường triển khai hệ thống cấp cứu trước viện và hệ thống cấp cứu nói chung tại Việt Nam. Bộ Y tế yêu cầu, đề án này phải có mục tiêu, các giải pháp đồng bộ về đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tiêu chuẩn về trang thiết bị y tế... đối với từng đơn vị cấp cứu trước viện. Trước mắt, đề án cần phải bảo đảm tính thực tiễn, trực tiếp thực hiện tại một số thành phố lớn, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngành Y tế sẽ nghiên cứu mô hình của một số nước trong khu vực và trên thế giới để có những kinh nghiệm hữu ích trong việc triển khai hệ thống cấp cứu trước viện, đáp ứng yêu cầu phát triển tại Việt Nam. Một số việc có thể thực hiện ngay, như tập trung tăng cường công tác đào tạo nhân lực, trang thiết bị cấp cứu phù hợp, đồng thời xây dựng cơ chế thu phí để đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế. Đặc biệt, ngoài việc hoàn thiện mạng lưới trung tâm cấp cứu trước viện tại từng địa phương, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ thiết lập trung tâm điều hành thông minh, kết nối thông tin giữa mạng lưới cấp cứu trước viện tại các tỉnh, thành phố. Từ đó, hệ thống mạng lưới cấp cứu trước viện của các tỉnh, thành phố sẽ hỗ trợ nhau nếu có thảm họa, thiên tai xảy ra, phải cấp cứu cùng lúc nhiều người.
Còn tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố cho hay, tới đây Hà Nội sẽ thiết lập thêm 7 trạm cấp cứu vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã: Đống Đa, Tây Hồ, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, Thường Tín và Sơn Tây. "Trung tâm rất mong nhận được sự tham gia của tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế vào chuỗi vận chuyển cấp cứu này. Có như vậy, mới hỗ trợ cấp cứu người bệnh được nhanh chóng, kịp thời, hạn chế những thương tổn không đáng có, đem lại hiệu quả trong công tác cấp cứu, điều trị và chăm sóc bệnh nhân", Tiến sĩ Nguyễn Thành nhấn mạnh.