Hòa bình cho Syria vẫn bế tắc
Thế giới - Ngày đăng : 10:28, 02/12/2019
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen cho biết, đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập nước này chưa thể thống nhất về chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán nên nhóm 45 thành viên của cơ quan soạn thảo hiến pháp không thể tiến hành họp.
Các cuộc đàm phán của Ủy ban Hiến pháp Syria, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc được xem là bước đầu tiên trên con đường dài tìm kiếm giải pháp chính trị, giúp Syria có thể chấm dứt cuộc xung đột bùng phát từ năm 2011, cướp đi sinh mạng của khoảng 400.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn... Trong phiên thứ nhất (ngày 8-11), các cuộc đàm phán được đánh giá là khá thành công, đề cập tới nhiều vấn đề như chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Tuy nhiên, niềm hy vọng le lói này sớm bị dập tắt trong phiên đàm phán thứ hai, khi hai đồng chủ tịch của cuộc họp không thể tìm thấy tiếng nói chung trong các vấn đề cần thảo luận.
Theo quan điểm của phe đối lập, Chính phủ Syria hiện không tập trung vào mục tiêu viết lại hiến pháp mà vẫn chỉ hướng vào việc chống khủng bố, kêu gọi bãi bỏ trừng phạt, lên án sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, đại diện của Damascus lại cho rằng đã không có những câu trả lời đối với các đề xuất cụ thể về kế hoạch làm việc. Do hai bên chưa đồng thuận về chương trình nghị sự, tạm thời nhóm 45 thành viên của Ủy ban Hiến pháp Syria sẽ không tiến hành nhóm họp trong thời gian tới.
Theo giới phân tích, sự thất bại của phiên đàm phán thứ hai là điều đã được dự đoán từ trước. Tình hình Syria vẫn rất phức tạp với nhiều mâu thuẫn đan xen, trong đó có vấn đề chính trị nội bộ, sự can thiệp và ảnh hưởng của các nước lớn, vấn đề biên giới, vấn đề người Kurd... Trong bối cảnh đó, việc viết lại hiến pháp được xem là nỗ lực phân chia lại quyền lực, lợi ích, ảnh hưởng của các bên, đồng nghĩa phải giải quyết được vô vàn các mâu thuẫn. Thứ đến, cuộc chiến tại Syria vẫn luôn là cuộc chiến ủy nhiệm giữa các cường quốc. Do đó, dù người dân Syria muốn đồng thuận, việc đạt được thỏa thuận vẫn bất khả thi nếu như các nước hậu thuẫn và lực lượng bên ngoài chưa thỏa hiệp được với nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của giới quan sát, nếu phe đối lập không chịu nhượng bộ trong giai đoạn đàm phán hiện nay, khả năng tìm được giải pháp phù hợp với tương lai chính trị của các nhóm này sẽ ít dần. Bởi lẽ, quân đội Syria đã giành được quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ và tăng cường năng lực đáng kể nhờ sự trợ giúp của Nga và Iran.
Nhìn chung, tuy vẫn đang ở thế bế tắc nhưng nỗ lực làm việc của Ủy ban Hiến pháp Syria nhận được sự hoan nghênh của dư luận khu vực và thế giới, vốn luôn nhấn mạnh rằng chỉ có người Syria mới có quyền quyết định tương lai đất nước của chính mình. Song, để đàm phán có thể “đơm hoa kết trái”, các bên liên quan cần nỗ lực ủng hộ chấm dứt bạo lực, thực thi nghiêm túc mọi thỏa thuận giảm căng thẳng, qua đó giúp Ủy ban Hiến pháp Syria đạt được kết quả làm việc như mong muốn và tìm ra một giải pháp chính trị toàn diện, sớm mang lại hòa bình cho Syria.