Hà Nội: Xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều án trọng điểm, án tham nhũng
Đời sống - Ngày đăng : 09:39, 03/12/2019
Theo Chánh án TAND thành phố, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng được tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ như vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Lê Bạch Hồng và đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
Xét xử những vụ án này, bản án của tòa được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu và có khoan hồng với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đến thu hồi tài sản tham nhũng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chánh án TAND thành phố cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong năm 2019, như còn một số vụ án quá hạn kéo dài, một số vụ tạm đình chỉ chưa có căn cứ; lượng án hành chính tồn vẫn còn nhiều; tiến độ giải quyết án còn chậm; tỷ lệ giải quyết án chưa cao.
“Biên chế ít, số lượng án nhiều, trình độ thẩm phán còn chưa đồng đều, một số thẩm phán vẫn còn tư tưởng chọn những án dễ làm trước. Đây là một trong những nguyên nhân của việc một số vụ án phức tạp bị để lâu, kéo dài”, Chánh án TAND thành phố Hà Nội nêu.
Năm 2020, một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của TAND hai cấp thành phố là đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án lớn, đặc biệt là án hành chính; khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện, án quá thời hạn xét xử, án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật.
Không có trường hợp phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội
Cũng trong sáng 3-12, đánh giá về kết quả công tác kiểm sát năm 2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân thành phố Nguyễn Duy Giảng nêu, VKS hai cấp thành phố đã chủ động, nghiêm túc triển khai các yêu cầu công tác của ngành.
Kết quả, một số chỉ tiêu có chuyển biến tích cực và cao hơn so với cùng kỳ năm 2018, như tỷ lệ yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra, tỷ lệ kiểm sát các vụ việc đều đạt 100%; tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,6%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%, truy tố bị can đúng tội danh đạt 99,95%; tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS đạt 93,4%...
Đặc biệt không có trường hợp nào cơ quan điều tra, VKS hai cấp phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội; không có trường hợp nào HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.
Tuy nhiên, Viện trưởng VKS nhân dân thành phố cũng chỉ ra một số chỉ tiêu công tác chưa đạt cao, như chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm, giải quyết án tại cơ quan điều tra; số lượng phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến còn chưa nhiều.
“Dự kiến, trong các tháng còn lại của năm công tác, VKS hai cấp thành phố sẽ tập trung nâng cao các chỉ tiêu trên, bảo đảm hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu công tác năm 2019 đã đề ra”, ông Nguyễn Duy Giảng cho biết.
Báo cáo thẩm tra về tình hình chấp hành pháp luật năm 2019 của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội nêu, năm 2019, an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục được giữ vững, chính trị bảo đảm ổn định; không để xảy ra khủng bố, phá hoại bất ngờ, tiếp tục bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa lớn được tổ chức trên địa bàn.
Bên cạnh một số nhóm tội phạm giảm so với năm 2018 như xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm hoạt động tư pháp, trật tự xã hội, một số tội phạm tăng cao như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm; tội xâm hại tình dục trẻ em với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội. Một số tội phạm, vi phạm pháp luật mới nổi lên với diễn biến phức tạp như tội phạm mua bán mô, bộ phận cơ thể người, mang thai hộ vì mục đích thương mại, mua bán người dưới 16 tuổi…
Trên cơ sở đó, Ban Pháp chế kiến nghị Công an thành phố tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu Thành ủy, UBND thành phố trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; chủ trọng công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực, đặc biệt phòng ngừa hiệu quả tình trạng xâm hại trẻ em; rà soát và triệt phá các ổ nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, sử dụng vũ khí “nóng”…