Khai mạc kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV
Chính trị - Ngày đăng : 07:58, 03/12/2019
Dự kỳ họp có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Tham dự kỳ họp còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội...
Đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được trong năm 2019
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, kỳ họp thứ mười một có nhiệm vụ quan trọng là đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, bảo đảm quốc phòng an ninh năm 2019; đồng thời, nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 với những giải pháp khả thi, phù hợp với thực tiễn Thủ đô.
Cũng tại kỳ họp này, căn cứ vào các quy định của luật và tình hình thực tiễn của thành phố, HĐND thành phố xem xét, thảo luận và thông qua 14 báo cáo và 6 nghị quyết thường kỳ; 6 báo cáo và 16 nghị quyết chuyên đề.
Đây là những chuyên đề rất quan trọng cho quá trình điều hành của các cấp chính quyền và đáp ứng yêu cầu của cử tri như: Kiện toàn sắp xếp thôn, tổ dân phố trên cơ sở Đề án của các quận, huyện, thị xã; Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề; một số mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố...
Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND theo hướng, nghị quyết phải sát thực tiễn; trong quá trình chuẩn bị kỳ họp, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; các ban HĐND, các cơ quan chuyên môn chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, ngay từ đầu để thống nhất nội dung, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; đồng thời, có nội dung HĐND giám sát trực tiếp hoặc khảo sát trước kỳ trình HĐND và chủ động báo cáo, xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ và Thành ủy theo quy định và chế độ làm việc.
"MTTQ thành phố đã tiến hành tổ chức phản biện 4 nội dung kỳ họp. Đây là kỳ họp có số lượng các chuyên đề MTTQ tổ chức phản biện nhiều nhất từ trước đến nay. Các ý kiến phản biện của MTTQ là cơ sở giúp HĐND thảo luận và quyết định bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống“, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.
Tại kỳ họp này, Thường trực HĐND thành phố tiếp tục đổi mới quy trình thông qua nghị quyết nhưng vẫn đảm bảo các quy định của luật và giúp đại biểu tiếp cận được các nội dung một cách khoa học, đó là: Gom các nhóm vấn đề có nội dung, tính chất liên quan để thảo luận, thông qua nghị quyết.
Đồng thời, gợi ý thảo luận tại tổ những nội dung các ban HĐND thành phố sau khi thẩm tra thấy cần phải tập trung để có sự đồng thuận cao; yêu cầu các ngành giải trình bằng văn bản gửi trước đến các đại biểu để tiếp tục tham gia nghiên cứu.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, HĐND thành phố sẽ dành một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến về 3 nhóm vấn đề: Tình hình và kết quả công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập trên địa bàn; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019. Đây là những vấn đề trong nhiệm kỳ này HĐND thành phố chưa chất vấn sâu thành chuyên đề, đồng thời cũng là những vấn đề cử tri quan tâm, nêu ý kiến qua các kỳ tiếp xúc cử tri.
Trong thời gian 3 ngày diễn ra kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, bố trí thời gian tham gia đầy đủ, tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận, đóng góp ý kiến từ thực tiễn của địa phương, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng niềm tin của cử tri và nhân dân Thủ đô. (xem chi tiết)
Chú ý các cơ chế, chính sách đột phá khai thác hiệu quả nguồn lực con người
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, từ nay đến hết nhiệm kỳ chỉ còn một năm, những biến động khó lường của kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có thể tác động đến nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu của nước ta, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta trong năm 2020 hết sức nặng nề và đầy thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Với tinh thần đó, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố quan tâm một số nội dung sau:
Một là, cần phát huy cao độ tinh thần dân chủ, trách nhiệm trước cử tri, thảo luận kỹ lưỡng để làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tình hình, những kết quả tích cực đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tài chính - ngân sách, đầu tư công và các nhiệm vụ khác trong năm 2019; từ đó chỉ ra những nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các bài học kinh nghiệm thực tiễn cần thiết cho thời gian tới. Căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, ý kiến, nguyện vọng của cử tri và dự báo tình hình trong thời gian tới, cần xem xét và quyết định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tài chính - ngân sách và đầu tư công trong năm 2020.
Hai là, để các nghị quyết của HĐND sớm đi vào cuộc sống, HĐND thành phố cần thông qua đồng bộ và kịp thời các cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực hợp lý; chú ý đến các cơ chế, chính sách có tính đột phá góp phần khai thác nhanh và hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ cho cơ sở.
Ba là, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai thực hiện hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, cần tích cực phối hợp với UBND thành phố báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Bộ Chính trị thông qua để thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thành phố.
Bốn là, đề nghị HĐND thành phố tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp tích cực vào công tác chỉ đạo chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhất là công tác nhân sự chuẩn bị cho HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Năm là, trong năm 2020, HĐND thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động kiểm tra, giám sát, chất vấn, giải trình để đảm bảo các nghị quyết, các cơ chế, chính sách của HĐND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính - ngân sách, đầu tư... được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề dân sinh, nhất là các vấn đề dân sinh bức xúc; từ đó nâng cao hơn nữa cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở vùng xa trung tâm, vùng nông thôn; đồng thời phối hợp chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị của thành phố. (xem chi tiết)
7/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đánh giá, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2019 đạt được kết quả toàn diện.
Đáng chú ý, 7/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến vượt kế hoạch, gồm chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP/người); vốn đầu tư xã hội; xuất khẩu; bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị và tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn…
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nêu một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 được thành phố đề ra: GRDP/người đạt trên 136 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trên 10,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8%; giảm tỷ suất sinh thô 0,1%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%... (xem chi tiết)
Cũng trong sáng nay, các đại biểu HĐND thành phố đã nghe các báo cáo về kết quả hoạt động năm 2019, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Thường trực HĐND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2019, nhiệm vụ năm 2020 và những kiến nghị với HĐND và UBND thành phố.
Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp Thủ đô phát triển nhanh, bền vững
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu, kỳ họp thứ mười một HĐND thành phố Hà Nội diễn ra ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV. Trong kỳ họp, Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để thảo luận và thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về hoàn thiện mô hình, tổ chức cấp chính quyền địa phương bảo đảm phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền, chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện.
“Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021 và việc thực hiện thí điểm từ ngày 1-7-2021, là một trong những căn cứ pháp lý rất quan trọng để Thủ đô có điều kiện phát triển nhanh, bền vững”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội lần thứ mười một, các đại biểu cần đánh giá, phân tích tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đối với những yếu kém, khuyết điểm, những bất cập đã được chỉ rõ trong báo cáo để cùng thảo luận, đề ra các giải pháp quyết liệt, thận trọng nhưng linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của Thủ đô; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, các địa phương để thực hiện tốt các cơ chế chính sách đặc thù cho việc phát triển của Hà Nội theo Luật Thủ đô.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; đặc biệt quan tâm việc tổ chức bộ máy phường, thị trấn, có chế độ chính sách hợp lý với đại biểu HĐND khi thực hiện đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị...
Chiều nay, từ 13h30, các đại biểu HĐND thành phố sẽ nghe các tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo thẩm tra về phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 của thành phố Hà Nội; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2020; phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội…
Bắt đầu từ 15h, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. (xem chi tiết)