Tăng cường hoạt động quảng bá, kết nối
Xã hội - Ngày đăng : 08:15, 04/12/2019
- Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất được tổ chức trong tháng 12-2019 này là sự kiện được các địa phương, đơn vị sản xuất nông nghiệp, các làng nghề, người có nghề cũng như người tiêu dùng Thủ đô hết sức quan tâm. Ông có thể cho biết những nét chính về sự kiện này?
- Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội là một sự kiện lớn do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 14 đến 17-12-2019 tại khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy).
Festival có quy mô hơn 300 gian hàng - trưng bày, giới thiệu những sản phẩm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội theo từng khu vực riêng như: Khu vực giới thiệu máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; khu vực giới thiệu các sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP thành phố Hà Nội. Trong đó ưu tiên khu vực giới thiệu nông sản an toàn, sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, sản phẩm chế biến của các quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, còn có các khu triển lãm trưng bày hoa, cây cảnh; khu sản phẩm làng nghề; khu giới thiệu nông sản của các tỉnh, thành phố khác và gian hàng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô…
- Vậy, ông có thể cho biết thêm về mục tiêu mà Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề hướng tới và đâu là kỳ vọng của Ban tổ chức?
- Mục tiêu mà Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 hướng tới là giới thiệu những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và địa phương quảng bá nông sản, sản phẩm làng nghề, vật tư nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP của thành phố.
Trong khuôn khổ của festival, ngoài lễ khai mạc, hoạt động trưng bày, quảng bá… còn diễn ra hội nghị kết nối sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn theo chuỗi tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 và các hội thảo chuyên đề trong lĩnh vực nông nghiệp và làng nghề…
Chúng tôi kỳ vọng, thông qua những hoạt động được tổ chức, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà quản lý, người tiêu dùng sẽ cùng bàn bạc, tháo gỡ và đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp Thủ đô hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường… Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, nhà sản xuất giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh cũng như chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn Hà Nội.
Đặc biệt, Hà Nội được coi là “đất trăm nghề”, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân gian được bồi đắp qua nhiều năm, sản sinh và lưu giữ những giá trị có hàm lượng văn hóa, lịch sử, tinh thần đặc sắc của dân tộc. Theo thống kê, giá trị sản xuất làng nghề Hà Nội năm 2018 đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD. Thế mạnh của làng nghề đã và đang được phát huy. Festival cũng là cơ hội để Hà Nội thu hút đầu tư vào các làng nghề, đồng thời quảng bá tinh hoa nghệ thuật làng nghề Hà Nội tới du khách trong nước và quốc tế.
- Với vai trò là đơn vị được Ban tổ chức giao chủ trì triển khai thực hiện, ông có gợi mở gì với các địa phương, đơn vị tham gia festival?
- Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các huyện lựa chọn những sản phẩm là đặc sản, có thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, ưu tiên sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu được sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi; những sản phẩm làng nghề truyền thống… Ban tổ chức đã họp với các thành viên, các đơn vị để lấy ý kiến về phương án sắp xếp, bố trí, bài trí, biểu tượng, logo… Trên cơ sở đăng ký tham gia festival của các quận, huyện, thị xã, Ban tổ chức sẽ sắp xếp hợp lý các gian hàng.
Đặc biệt, để tái hiện những nét đẹp truyền thống của làng nghề Hà Nội, Ban tổ chức yêu cầu các địa phương đề cử nghệ nhân tham gia trình diễn tay nghề tại festival. Đồng thời, các đơn vị, quận, huyện, thị xã cần phải hoàn thành việc vận chuyển và trưng bày sản phẩm tại festival trước ngày 13-12-2019.
- Không chỉ là cơ hội xúc tiến, quảng bá, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, festival còn là dịp để người tiêu dùng Thủ đô có thêm thông tin, lựa chọn sản phẩm mình quan tâm. Vậy thì ông gửi gắm điều gì tới người tiêu dùng?
- Có thể khẳng định, festival cũng là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân… Đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cũng như thương hiệu của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm tới đông đảo người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà sản xuất là: Hãy cùng đề cao lòng tự hào là nhà sản xuất Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam và các sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Đồng thời hãy là những người tiêu dùng thông thái.
- Trân trọng cảm ơn ông!