Khớp nối cung - cầu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 04/12/2019
Có được kết quả tích cực này là nhờ các cấp, ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009. Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực của Đề án, rất ít tỉnh, thành phố xây dựng được kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn theo từng năm một cách bài bản như Hà Nội.
Ví dụ, với năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu rất rõ ràng: Đào tạo nghề cho 15.615 người (trong đó có 9.060 người cho 16 nghề nông nghiệp, 6.555 người cho 17 nghề phi nông nghiệp), phân bổ cụ thể chỉ tiêu đào tạo cho 16 huyện và 1 thị xã; tỷ lệ lao động sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn; các huyện, thị xã bảo đảm 100% lao động nông thôn được tuyên truyền, hiểu biết về chính sách học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg; tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố là 43,576 tỷ đồng... Đặc biệt, thành phố rất chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch thực hiện, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Hà Nội vẫn còn bất cập là giữa ngành nghề đào tạo với nhu cầu thực tế chưa ăn khớp, dẫn đến tình trạng cung một đằng, cầu một nẻo; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu đồng bộ, chưa phát huy tối đa hiệu quả của chính sách. Ngoài ra, có trường hợp tổ chức đào tạo nhưng chưa dự báo được nơi làm việc, chưa xác định được mức thu nhập tăng thêm của người lao động sau học nghề…
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp - nông thôn trong tình hình mới, các ngành chức năng thành phố cần tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo 1956 cấp huyện, hội nông dân, các đoàn thể chính trị - xã hội… phổ biến sâu rộng để lao động nông thôn hiểu đúng, đủ những quy định của Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 1-7-2015 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Mặt khác, cần lồng ghép việc tuyên truyền mang tính chuyên đề về hướng nghiệp, khởi nghiệp với các mô hình, bài học thành công đã có để nội dung tuyên truyền gần gũi, thiết thực.
Bên cạnh đó, quá trình đào tạo phải chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp, gia tăng phần dạy thực hành thay vì chủ yếu dạy lý thuyết “chay”. Việc xác định đào tạo nghề nào, thiết kế chương trình giảng dạy ra sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội, trình độ học viên ở từng địa phương là yếu tố phải cải tiến mạnh mẽ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần điều tra, khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và dự báo xu hướng phát triển, quy hoạch của từng địa phương làm cơ sở tổ chức đào tạo nghề phù hợp, sát với thị trường lao động.
Với các nghề phi nông nghiệp, nên đào tạo trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hoạt động trên địa bàn. Với các nghề nông nghiệp, cần định hướng đào tạo gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của địa phương, kết nối chặt chẽ với các trang trại, hợp tác xã...
Sự quan tâm đầu tư đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đúng đắn, và sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi khớp nối được cung - cầu, phù hợp với quy luật phát triển của thị trường lao động.