Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Linh hoạt theo thực tiễn
Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 04/12/2019
Có nghề, tăng thu nhập
Hằng ngày, chị Nông Thị Duyên (sinh năm 1995), thôn Trại Lý, xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) đến cơ sở may Trung Nguyên có trụ sở tại xã Cổ Đông để làm việc. Vừa làm, chị Duyên vừa kể, chị là người dân tộc Tày, quê xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh), lấy chồng về xã Cổ Đông khi mới 19 tuổi, chưa có việc làm. Giữa thời điểm kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, chị được các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho học nghề may công nghiệp. “Quyết định học nghề may vào cuối năm 2018 đã thay đổi cuộc sống của tôi. Chỉ sau 3 tháng học nghề, tôi đã có việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/tháng”, chị Nông Thị Duyên phấn khởi nói.
Cùng học nghề với chị Duyên có hàng chục lao động khác ở xã Cổ Đông. Thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng được làm việc tại quê nhà của người lao động, chủ cơ sở may Trung Nguyên là chị Nguyễn Thu Huyền luôn nỗ lực tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, cơ sở may Trung Nguyên đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động, chủ yếu là đối tượng hoàn thành các khóa học nghề kỹ thuật may công nghiệp dành cho lao động nông thôn.
Đến những địa phương có nhiều lao động nông thôn học nghề may, như xã Phú Cường (huyện Ba Vì); xã Cổ Loa, Xuân Canh (huyện Đông Anh); xã Cao Viên (huyện Thanh Oai)..., phóng viên Báo Hànộimới gặp nhiều nhóm thợ miệt mài làm việc, thấy những chuyến xe nhộn nhịp vận chuyển hàng hóa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh cho biết, may công nghiệp là nghề phát huy hiệu quả tích cực nhất trong danh mục các nghề phi nông nghiệp đang triển khai đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Một số nghề phi nông nghiệp khác như điện dân dụng, pha chế đồ uống… cũng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm người lao động.
Tương tự, việc hỗ trợ đào tạo các nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cũng mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho những ai dám nghĩ, dám làm. Chị Nguyễn Thị Hải, thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) cho hay: “Sau khi học nghề chăn nuôi - thú y vào năm 2018, tôi biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi gia cầm. Gà, ngan gia đình tôi nuôi đều phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, bán được giá. Nhờ đó, đến nay, gia đình tôi đã thoát khỏi diện cận nghèo, cuộc sống dần ổn định”.
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2019, toàn thành phố hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 16.000 lao động nông thôn, nâng tổng số người được hỗ trợ đào tạo nghề lên khoảng 200.000 người trong giai đoạn 2009-2019. Sau học nghề, hơn 80% người lao động có việc làm, thu nhập cao hơn. Kết quả này cũng góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố từ 8,43% vào cuối năm 2009, xuống còn dưới 0,5% vào cuối năm 2019; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 31,4% cuối năm 2009, lên 67,5% vào cuối năm nay.
Nâng cao chất lượng đầu ra
So với những mục tiêu đề ra tại Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, có thể khẳng định, chính sách này được thành phố Hà Nội triển khai linh hoạt, hiệu quả, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn có chỗ, có nơi chưa đạt kết quả như mong muốn. Dễ nhận thấy là lượng lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng tính ổn định cũng như chất lượng của việc làm chưa cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng dẫn chứng, năm 2018, toàn huyện có 1.710/1.779 lao động nông thôn có việc làm sau khi tốt nghiệp, đạt 96%. Thế nhưng, đại đa số lao động có việc làm do họ tự tạo tại gia đình, nên rất hiếm trường hợp có thu nhập vượt trội so với nghề cũ. Thậm chí, không ít trường hợp theo học nghề này, nhưng lại đi làm nghề khác, gây lãng phí. Năm 2019, kết quả cũng không khả quan hơn. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Đỗ Mạnh Hưng đề nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu giảm thời gian đào tạo đối với một số nghề nông nghiệp, tăng thời gian đào tạo đối với một số nghề phi nông nghiệp, nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra cho người học. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, để người học có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho họ được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi.
Nhiều năm tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) Phan Văn Hùng cho rằng, đối với những địa phương có làng nghề, đa số người lao động có nhu cầu học nghề truyền thống của quê hương. Do đó, việc đào tạo nghề cho người lao động tại làng nghề cần thực hiện theo hình thức truyền nghề trực tiếp, thay vì mở lớp tập trung để bảo đảm hiệu quả thực chất.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg sẽ hết hạn vào năm 2020. Bởi vậy, hiện nay, các sở, ngành chức năng và địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu học nghề của từng đối tượng, nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với cung - cầu lao động. Thời gian tới, các cơ quan hữu quan sẽ có đánh giá tổng thể về chính sách nhân văn này nhằm nhìn nhận rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo.
“Trong trường hợp Quyết định số 1956/QĐ-TTg dừng lại, chúng tôi sẽ tham mưu, đề nghị thành phố ban hành chính sách phù hợp, bảo đảm cho người lao động nông thôn có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, tay nghề, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước”, bà Nguyễn Thanh Nhàn khẳng định.