Bảo vệ quyền lợi của người lao động: Nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp

Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 04/12/2019

(HNM) - Điểm nhấn đáng lưu ý trong chương trình phối hợp giữa UBND thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố năm 2019 là việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Đây là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, nâng cao đời sống người lao động.

Thông qua đối thoại, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Năm 2019, chương trình phối hợp công tác giữa UBND thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố có rất nhiều nội dung như: Tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, người lao động; nâng cao phúc lợi xã hội; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Song, theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, nổi bật trong số đó là sự phối hợp trong công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thông qua hoạt động đối thoại. Trong đó, việc tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với hơn 1.000 công nhân lao động Thủ đô vào ngày 11-5-2019 tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam là một minh chứng.

Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của công nhân lao động. Chẳng hạn, người lao động Công ty TNHH Canon Việt Nam mong muốn thành phố có cơ chế hỗ trợ công nhân thuê nhà ở với diện tích phù hợp, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nghiên cứu với căn hộ cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc quyền quản lý của công ty. Lãnh đạo thành phố cũng chia sẻ với công nhân có nguyện vọng thuê nhà nhưng chưa được đáp ứng và khẳng định sẽ yêu cầu Sở Xây dựng tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, cán bộ có thu nhập thấp; xem xét hỗ trợ về giá thuê.

Tại các địa phương, năm 2019, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã và UBND cùng cấp tổ chức 46 cuộc đối thoại chính sách với công nhân lao động. Nhiều quyền lợi cốt lõi đã được công đoàn cơ sở thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể như: Thời gian làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng; bảo đảm bữa ăn ca của công nhân lao động với mức tối thiểu 15.000 đồng/bữa.

Tuy nhiên, riêng việc phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận, huyện, thị xã với công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn mới chỉ có 16/30 quận, huyện thực hiện. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp kiến nghị, UBND thành phố cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất, đốc thúc thực hiện. Riêng Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm còn yêu cầu các cơ quan trên địa bàn đăng ký lịch tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để phân công cán bộ dự, kiểm tra, nắm tình hình.

Ở góc nhìn khác, ông Bùi Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, để tạo động lực cho nhân viên, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cùng lúc triển khai nhiều giải pháp khác nhau, từ việc nhỏ như khuyến khích người lao động tự lựa chọn thành viên đại diện tập thể tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc đến công khai kết quả sản xuất, kinh doanh và phương hướng thời gian tới. 

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng, đối thoại giữa chính quyền địa phương với đơn vị trên địa bàn và người lao động sẽ mang lại lợi ích cho các bên. Các quận, huyện, thị xã cần đưa đại diện công đoàn vào thành phần các đoàn kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chế độ chính sách cho người lao động để cập nhật kịp thời tiến độ giải quyết tâm tư nguyện vọng của người lao động, giúp mối quan hệ lao động tại các doanh nghiệp tiến bộ, hài hòa. Đây là nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp và nâng cao đời sống của người lao động, đồng thời là giải pháp ngăn chặn hình thành các điểm nóng.

Hải Hà