Giá nước sạch của Hà Nội được giữ ổn định từ năm 2013 đến nay
Đời sống - Ngày đăng : 09:21, 04/12/2019
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng khẳng định, nước sạch là một trong những nhu cầu cấp thiết, quan trọng đối với đời sống nhân dân. Chính vì vậy, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định đây là lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm. Trong nghị quyết của Thành ủy các nhiệm kỳ, chỉ tiêu nước sạch bao giờ cũng được quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ.
Trong nhiệm kỳ này, thành phố quyết định phương án chỉ có một tiêu chuẩn nước sạch cho toàn bộ thành phố, không phân biệt nước sạch đô thị với nước hợp vệ sinh; quy về một đầu mối quản lý nước sạch cho toàn thành phố; điều chỉnh hệ thống quy hoạch nước sạch hợp lý, bảo đảm an ninh, đồng thời linh hoạt trong điều hành cấp nước khi có sự cố và đôn đốc thực hiện đầu tư các dự án cung cấp nước sạch cho người dân cũng như mạnh dạn xử lý những dự án đầu tư trước đây không có hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, nước sạch của thành phố hiện được khai thác từ hai nguồn là nước ngầm và nước mặt. Về nguồn nước ngầm, thành phố yêu cầu khai thác bảo đảm chất lượng nguồn nước, đóng cửa những giếng có hiện tượng suy thoái và nâng công suất tại những vị trí có chất lượng nước bảo đảm.
Trong khai thác nguồn nước mặt, Hà Nội đang phát triển đồng bộ các nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đà và sông Đuống. Trong đó, dự án nhà máy nước mặt sông Hồng đang triển khai chậm so với kế hoạch. Nhà máy nước mặt sông Đuống đã được đưa vào khai thác và tiếp tục đầu tư giai đoạn hai, nâng công suất cấp nước lên 300.000 m3/ngày-đêm. Nhà máy nước sạch sông Đà đang được khai thác và cung cấp cho Hà Nội khoảng 230.000 - 250.000 m3/ngày-đêm.
“Nguồn của nước sạch của Hà Nội đang được khai thác với công suất bảo đảm yêu cầu, bảo đảm chất lượng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng khẳng định.
Để phát triển mạng cấp nước, thành phố đã kêu gọi hơn 20 nhà đầu tư triển khai 30 dự án cấp nước đến khu vực nông thôn; khuyến khích nhà đầu tư tiếp tục phát triển mạng lưới tới vùng sâu, vùng xa của thành phố.
Thành phố cũng đang tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, như Nhà máy nước mặt sông Hồng; khắc phục tồn tại của các nhà máy có sự cố; tiếp tục tháo gỡ các vấn đề về cơ chế, chính sách cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cấp nước sạch cho vùng nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng khẳng định, giá bán nước sạch vẫn đang được giữ ổn định theo Quyết định 38/2013/QĐ-UBND từ năm 2013 đến nay. Thành phố đang xem xét hỗ trợ giá nước ở vùng sâu, vùng xa để người dân được sử dụng nước bảo đảm tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện kinh tế từng khu vực.
Sau sự cố nước mặt sông Đà nhiễm dầu, Sở Xây dựng có bộ phận thường xuyên kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động của nhà máy. Sở Y tế phối hợp cùng các đơn vị tiếp tục giám sát các chỉ tiêu bảo đảm yêu cầu về nước cho người dân.
Đồng chí cũng thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý để bảo đảm không xảy ra sự cố tương tự như nước mặt sông Đà; kiểm tra chất lượng từ nguồn nước vào, quy trình sản xuất đến điểm tiêu thụ nước.
Thu hồi 28 dự án sử dụng đất chậm triển khai
Liên quan đến 383 dự án, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn thành phố được một số đại biểu nêu trong thảo luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngoài các dự án này, thành phố đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, nòng cốt là Sở Tài nguyên và Môi trường, để thanh tra và kiểm tra, rà soát cả những dự án khác; qua đó góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong quản lý, điều hành của UBND thành phố cũng như trách nhiệm của các sở, ngành và UBND các quận, huyện, các nhà đầu tư.
Trên tinh thần tập trung tháo gỡ vướng mắc với mục tiêu chính là đưa đất vào sử dụng, phát huy hiệu quả, UBND thành phố đã cùng các ngành, đơn vị, và báo cáo các bộ, ngành trung ương cùng tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Đến nay, trong 383 dự án, thành phố đã thu hồi 28 dự án không được triển khai theo quy định của Luật Đất đai với tổng diện tích hơn 1.700 ha; 24 dự án (35,8ha) chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng được thành phố đưa vào xem xét gia hạn 24 tháng, sau thời gian này, nếu không được thực hiện sẽ bị thu hồi; 83 dự án (273ha) đã rà soát và đưa ra khỏi danh sách bởi sau khi phối hợp đôn đốc, các chủ đầu tư dự án đã triển khai; 39 dự án (34ha) chậm triển khai do có vi phạm pháp luật về đất đai đã được yêu cầu khắc phục; 44 dự án trong quá trình thực hiện vướng về giải phóng mặt bằng đã được tập trung đôn đốc tháo gỡ; 54 dự án (1.305ha) đã có quyết định giao đất nhưng chậm giải phóng mặt bằng đã được thành phố rà soát, tháo gỡ. Ngoài ra, một số dự án khác còn vướng mắc vì điều chỉnh quy hoạch hoặc vi phạm pháp luật.
Hằng năm, ngoài danh mục thực hiện kế hoạch sử dụng đất, UBND thành phố đều báo cáo với HĐND thành phố về các dự án có vướng mắc để HĐND thành phố nắm bắt, công bố cho cử tri và nhân dân biết, thực hiện giám sát.
Theo chỉ đạo của thành phố, trong năm 2019, việc giao đất dịch vụ phải được thực hiện xong nhưng đến nay chưa thể hoàn thành. UBND thành phố và cá nhân đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận khuyết điểm về việc này. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung khắc phục, giải quyết tồn tại, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc, tránh thất thoát đất dịch vụ, tránh tình trạng lợi dụng để làm trái quy định pháp luật.