Không vì sức ép tăng trưởng kinh tế, mà giảm sự quan tâm dành cho trẻ em
Đời sống - Ngày đăng : 16:23, 04/12/2019
Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể chức năng của Việt Nam và gần 500 đại biểu đến từ 35 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Sự quan tâm này góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn, nhất là những mục tiêu liên quan tới trẻ em.
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội phát triển tốt hơn, tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có nhiều mục tiêu về trẻ em.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025 tại Quyết định số1437/QĐ-TTg ngày 29-10-2018. Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ban hành đề án tổng thể về chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em.
Phó Thủ tướng lưu ý các ngành, địa phương không vì sức ép tăng trưởng kinh tế, mà giảm sự quan tâm, giảm các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Việc triển khai các chính sách liên quan đến trẻ em cần ưu tiên cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, các cơ quan hữu quan cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho những người đã làm cha, làm mẹ và thế hệ trẻ - những người sẽ làm cha, mẹ trong tương lai, qua đó góp phần tạo ra môi trường nuôi dưỡng an toàn cho trẻ em từ gia đình, cộng đồng…
Sau phiên khai mạc, các đại biểu trong nước, quốc tế tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về việc làm thế nào để nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và người làm công tác trẻ em về các nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ em; giải pháp nào để xây dựng môi trường an toàn cho trẻ; cơ chế nào để các quốc gia tăng cường sự liên kết, phối hợp bảo vệ trẻ em…
Kết thúc hội nghị, các quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đưa ra lời kêu gọi hành động từ Hà Nội về thực hiện các nhiệm vụ, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em.