Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Pháp: Căng thẳng gia tăng
Thế giới - Ngày đăng : 07:11, 05/12/2019
Mâu thuẫn giữa hai đồng minh nảy sinh khi Pháp quyết định đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) 3% doanh thu đối với các công ty công nghệ có doanh thu trên 25 triệu euro (27,86 triệu USD) tại nước này và 750 triệu euro (830 triệu USD) trên toàn cầu. Tính toán của Pháp bắt đầu từ việc theo luật của Liên minh châu Âu (EU), các công ty công nghệ có thể chọn báo cáo doanh thu ở châu Âu tại bất cứ nước thành viên nào của EU. Do đó, lâu nay các công ty dịch vụ kỹ thuật số hoạt động khắp Lục địa già nhưng lợi nhuận lại gom về nơi có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp như Ireland hay Hà Lan để tránh nộp thuế ở những nước có mức thuế cao.
Các nước châu Âu từng áp dụng nhiều biện pháp để thu thuế tính trên doanh thu phát sinh tại nước mình, nhưng các nỗ lực chưa đạt hiệu quả mong muốn. Pháp cũng từng thúc đẩy sắc thuế toàn châu Âu song cuộc vận động này đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Vì vậy, Paris quyết định đi theo con đường riêng. Hồi tháng 7 vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số mang tên GAFA (chữ cái đầu của Google, Apple, Facebook và Amazon), qua đó trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên áp dụng loại thuế này. Động thái trên có thể giúp nguồn thu ngân sách của Pháp bổ sung 500 triệu euro/năm (563 triệu USD) nhưng lại ảnh hưởng tới khoảng 30 doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty Mỹ.
Ngay lập tức, hành động của Paris vấp phải sự phản ứng từ Washington. Theo số liệu thống kê, các tập đoàn của Mỹ chiếm đến 90% số “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp nước này trở thành đối tượng chính trong quyết định đánh thuế của Pháp. Dù siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ lớn nhưng về cơ bản, chính sách và lập trường của Mỹ vẫn chú trọng bảo vệ lợi ích doanh nghiệp nước mình khi hoạt động ở nước ngoài. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng sắc thuế của Pháp nhắm đến các doanh nghiệp xứ Cờ hoa “không phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của chính sách thuế quốc tế và gây gánh nặng bất thường cho các công ty bị ảnh hưởng của Mỹ”.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho hay sẽ thu thập ý kiến của công chúng về danh sách đề xuất các mặt hàng nhập khẩu từ Pháp bị áp thuế đến hết ngày 14-1-2020 cũng như lựa chọn việc áp dụng thu phí hay hạn chế đối với các dịch vụ của Pháp. Tuy nhiên, một số hàng hóa như rượu sâm panh, túi xách, phô mai và nhiều sản phẩm khác có xuất xứ từ đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương có thể bị Mỹ đánh thuế ngay vào giữa tháng 1-2020. Biện pháp này đã tác động tiêu cực đến ngành xa xỉ phẩm vốn là thế mạnh của Pháp. Cổ phiếu các công ty kinh doanh đồ cao cấp hàng đầu gồm LVMH, Kering và Hermes đã giảm từ 1,4% đến 1,5% trong phiên giao dịch sáng 3-12.
Ngay sau thông báo này của Mỹ, các bộ trưởng trong Chính phủ Pháp tuyên bố Pháp và EU sẵn sàng trả đũa động thái từ Washington. Trước đó, mâu thuẫn thương mại cũng đã "phủ bóng đen" lên quan hệ Mỹ - EU sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 10 áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của khối. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa nền kinh tế số một thế giới với Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết, các nhà phân tích cho rằng việc Mỹ dùng các biện pháp trừng phạt để giải quyết bất đồng thương mại không phải là lựa chọn tối ưu. Việc tăng thêm mâu thuẫn không chỉ ảnh hưởng bất lợi tới các quốc gia liên quan mà còn đến giao thương toàn cầu.