Nhà văn Lê Hoài Nam: Trăn trở trang văn về đời lính, đời người

Văn hóa - Ngày đăng : 14:30, 05/12/2019

(HNMCT) - 16 năm phục vụ trong quân ngũ, đối diện với không ít giây phút sinh tử là khoảng thời gian vô cùng quý giá để Lê Hoài Nam có những trải nghiệm, rèn luyện với tinh thần, bản lĩnh của "Bộ đội cụ Hồ". Từ hành trang dày dặn ấy cùng rung cảm của người cầm bút, ông đã vẽ lại chân thực và rõ nét về “hành trình của người lính” từ thời chiến đến thời bình.

Gần đây ông ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết Hạc Hồng (NXB Hội Nhà văn, 2019) xoay quanh câu chuyện của một cựu binh trở về cuộc sống thực tại, qua đó khắc họa sinh động những vấn đề của đời sống xã hội hôm nay.

1. Một ngày Hà Nội đón gió mùa Đông Bắc, tôi có mặt tại căn nhà rộng rãi, khang trang của nhà văn Lê Hoài Nam. Ở chốn đi về ấm cúng ấy của ông, tôi bắt gặp những bức ảnh quý giá lưu lại khoảnh khắc, gương mặt của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng mà nhà văn người gốc thành Nam có vinh hạnh được chụp cùng. Trong đó có bức ảnh đã bạc màu theo thời gian mà ông và các bạn học chụp lưu niệm cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào năm 1985 trong lần nhạc sĩ tài hoa ra Hà Nội thăm Trường Viết văn Nguyễn Du. 

Là cây bút không xa lạ với bạn đọc, Lê Hoài Nam thu hút người đối diện bằng cách kể chuyện dí dỏm, hài hước và rất có khiếu sư phạm. Nhờ có khả năng này cùng với kiến thức dồi dào về văn học, tôn giáo mà khi còn công tác ở Nam Định, cứ mỗi dịp cuối năm học, khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định lại mời ông đến nói chuyện với sinh viên. Nhà văn Lê Hoài Nam còn gây bất ngờ với nhiều người khi được biết ông là tác giả của bốn kịch bản phim đình đám một thời, đó là Trong nhà có chàng Thiếu úy, Năng lực phi thường, Thầy giáo dạy văn và Hương bạc hà.

Bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng sức đi, sức viết của ông thì chưa có dấu hiệu giảm sút. Trong cuộc trò chuyện với tôi, ánh mắt ông vẫn không giấu nổi niềm vui khi mới ngày hôm qua, ông cùng người đồng hương là Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về dự buổi gặp mặt của Hội Cựu chiến binh Nam Định. Tất nhiên, trong hành trang của chuyến hồi hương ấy, là cuốn tiểu thuyết “nóng hổi” Hạc Hồng để tặng bạn bè, đồng đội.

Nhân vật chính của Hạc Hồng là anh bộ đội Lương Hải Hựu, sau hơn chục năm trong quân ngũ thì chuyển ngành sang cơ quan dân sự, hiện là một viên chức về hưu sớm do hoàn cảnh tạo tình thế không có sự lựa chọn nào khác. Thành công của tiểu thuyết Hạc Hồng là phản ánh sinh động những vấn đề nóng bỏng của xã hội hôm nay. Tuy nhiên, bức tranh xã hội trong tiểu thuyết không chỉ toàn mặt trái, người đọc vẫn bắt gặp trong tác phẩm hình tượng những cán bộ liêm khiết, trong sạch, hết lòng vì những điều chân, thiện. Hạc Hồng đã chĩa ngòi bút đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực của xã hội, những dấu hiệu suy thoái về đạo đức. Cao hơn cả, tác phẩm còn giúp người đọc nhận thức, tìm cách vượt qua cái xấu, cái bất công, phi lý bằng niềm tin sâu sắc vào những con người giữ vững được phẩm chất, cốt cách trước những tác động tiêu cực và mặt trái của nền kinh tế thị trường.

Những người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng dạt dào cho những sáng tác của nhà văn Lê Hoài Nam.

2. Câu chuyện về người lính trong thời chiến cũng được hiện lên sinh động qua ngòi bút của nhà văn Lê Hoài Nam. Một trong những cuốn sách tiêu biểu ấy là tập bút ký Bến sông tuổi thơ viết về Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Sau chuyến về thăm lại Quảng Trị, ông đã không những được nghe biết bao câu chuyện xúc động từ những chiến sĩ năm xưa mà còn được thấy lại những chứng tích gắn với cuộc chiến đấu anh dũng ở chiến trường Quảng Trị. Tất cả những điều đó đã thôi thúc ông cầm bút viết lên cuốn bút ký chân thực, sống động.

Đặc biệt, mặc dù đề cập đến đề tài chiến tranh nhưng Bến sông tuổi thơ không nhắc nhiều đến cảnh đạn bom khốc liệt mà đi sâu vào khai thác khía cạnh văn hóa. Cuốn sách mang trong mình những âm điệu đồng quê tha thiết và đầy sức gợi. Lật mở từng trang của tác phẩm này, bạn đọc không khỏi xúc động trước những câu chữ như thể những thước phim tái hiện khung cảnh thiên nhiên, truyền thống văn hóa của một vùng quê thuộc huyện Hải Hậu, Nam Định. Đó chính là những yếu tố góp phần hình thành nên tâm lý, tính cách và nhân cách của một vị tướng giỏi về quân sự nhưng cũng rất yêu chuộng văn hóa dân tộc.

3. Nguyên là một chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, nhà văn Lê Hoài Nam cũng dành những tình cảm đặc biệt cho lực lượng này. Ông đã viết cuốn sách ấm nóng hơi thở của Trường Sa là: Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn. Cuốn sách đưa người đọc đến với khá nhiều vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc và ở bất cứ đảo nào, con người và cảnh vật cũng hiện ra chân thực, sống động. Trong đó, xúc động nhất vẫn là hình ảnh những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm chắc tay súng, kiên cường bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, các chiến sĩ hải quân ở Trường Sa trong nhiều năm qua đã kiên cường, sáng tạo trong lao động xây dựng, khiến cho các đảo nơi đây hồi sinh sự sống, “thay da đổi thịt” từng ngày. Hàng chục hòn đảo, đảo nào cũng chỉ toàn đá, cát, san hô, với bốn bề nước mặn mênh mông, nắng lắm mưa nhiều, nay đã mướt mát màu xanh cây lá. Đảo Song Tử Tây đã không chỉ thấy loáng thoáng cây phong ba, cây bão táp như xưa nữa mà cán bộ đã thêm nhiều cây bàng quả vuông, trảng cỏ. Và còn nữa, đó là đảo Trường Sa Lớn, trung tâm huyện đảo Trường Sa, người đọc sẽ không khỏi ngạc nhiên, náo nức với câu chuyện về ngọn hải đăng, quạt gió phát điện, với tiếng chuông chùa ngân nga sớm tối...

4. Một thể loại mà nhà văn Lê Hoài Nam cũng rất thành công, đó là tiểu thuyết lịch sử mà gần đây nhất là tập sách Mỹ nhân nơi đồng cỏ. Bằng cách phản ánh thông qua cái đẹp, tiểu thuyết Mỹ nhân nơi đồng cỏ đã làm sống lại một giai đoạn khá đặc biệt trong lịch sử nước nhà: Từ khi vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà, đến lúc hoàng tử Tư Thành lên ngôi và xây dựng một triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Xuyên suốt trong tác phẩm là tư tưởng triết học về lịch sử: Yêu nước, trọng dân, lấy dân làm gốc, luôn “đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của mỗi cá nhân hay dòng họ và quyết định tối thượng là thuộc về nhân dân”.

Trong nhiều tác phẩm của mình, nhà văn Lê Hoài Nam đã lấy nguyên mẫu từ chính cuộc đời mình, một cuộc đời cầm bút đầy gian truân, nhọc nhằn và không ít thử thách. Nhưng với bản chất của người lính cụ Hồ, ông đã kiên cường, nhẫn nại vượt qua tất cả để chinh phục bạn đọc bằng những trang văn thấm đẫm trải nghiệm về đời lính, đời người.

Nhà văn Lê Hoài Nam sinh năm 1953 tại Nghĩa Hưng, Nam Định. Ông từng tham gia quân đội nhân dân Việt Nam với quân hàm Thượng úy và nhiều năm giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nhân. Ông giành Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào các năm 1995, 2002; Giải thưởng bút ký Báo Văn nghệ vào các năm 1988, 1989; Giải thưởng truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1981... Hiện ông là hội viên của các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội.

Giang Phú