Điện ảnh Việt: Nhìn lại để đi tới
Giải trí - Ngày đăng : 13:07, 05/12/2019
Có gì sau 2 năm?
Với con số 104 bộ phim tiêu biểu cho các thể loại phim truyện điện ảnh, phim tài liệu - khoa học và phim hoạt hình, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI diễn ra tuần qua tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phản ánh được phần nào bức tranh sôi động của điện ảnh trong nước thời gian qua.
Riêng lĩnh vực phim truyện điện ảnh, dù chưa quy tụ hết được những bộ phim ra rạp trong thời gian này nhưng 16 cái tên xuất hiện tại Liên hoan phim cũng là những ví dụ tiêu biểu, cho thấy sự phát triển đa dạng và có chất lượng của điện ảnh nước nhà thời gian gần đây. Dòng phim tâm lý xã hội tiếp tục vị thế dòng chủ lưu với số lượng tác phẩm gần như áp đảo và chất lượng khá đều, tiêu biểu có Song Lang, Tháng năm rực rỡ, Hạnh phúc của mẹ, 100 ngày bên em, Cua lại vợ bầu... Dòng phim kinh dị đã có một đại diện đặc biệt, một bộ phim ám ảnh khán giả là Người bất tử. Thể loại ma hài có Lật mặt: Nhà có khách rất dễ thương. Dòng phim hành động có thể tự hào với Hai Phượng đậm chất võ thuật và cảnh sắc Việt...
Nếu như hai năm trước Em chưa 18 gây sốc với doanh thu kỷ lục hơn 170 tỷ đồng thì 2 năm trở lại đây đã có 2 bộ phim vượt xa kỷ lục này là Hai Phượng với doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, Cua lại vợ bầu hơn 190 tỷ đồng. Số phim có doanh thu trên dưới 100 tỷ đồng khá nhiều như Lật mặt: Nhà có khách gần 120 tỷ đồng, Siêu sao siêu ngố khoảng 109 tỷ đồng, Chàng vợ của em 86 tỷ đồng, Tháng năm rực rỡ 85 tỷ đồng... Những con số này đủ nói lên sự hấp dẫn của thị trường điện ảnh với các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Giải thưởng của Liên hoan phim lần này tuy vẫn còn những tranh cãi nhưng đã cơ bản ghi nhận được những cố gắng của điện ảnh Việt trong 2 năm qua. NSƯT, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, thành viên Ban Giám khảo phim truyện đánh giá: “Với cá nhân tôi, đây là một trong những kết quả công tâm và thống nhất trong rất nhiều Liên hoan phim mà tôi tham gia cùng vai trò”. Đánh giá này khá gần với cảm nhận của khán giả nói chung. Song Lang giành Bông sen Vàng là kết quả hết sức thuyết phục và cũng là sự tôn vinh xứng đáng với những nghệ sĩ vẫn quyết liệt đi tìm giá trị nghệ thuật cho tác phẩm trước sức ép của thị trường giải trí.
Các bộ phim được coi là tiêu biểu thời gian qua cũng đều có được sự ghi nhận như phim Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Truyền thuyết về Quán Tiên với Bông sen Bạc. Dĩ nhiên, cũng có chút tiếc nuối khi một bộ phim khai thác quá tốt chuyện tình cảm đồng giới trong xã hội hiện đại như Thưa mẹ con đi chưa có sự động viên, hay diễn xuất ám ảnh của Quách Ngọc Ngoan trong Người bất tử chưa được ghi nhận... Nhưng 2 năm với từng ấy kết quả, thế là đáng vui rồi!
Cần cơ chế quản lý mới
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI được tổ chức trong thời điểm khá nhạy cảm, đó là khi câu chuyện quản lý điện ảnh, cụ thể là vấn đề duyệt phim đang gặp nhiều phản ứng từ dư luận cũng như người làm nghề. Chính vì vậy, thông qua sự kiện này, nhiều nhà làm phim cũng gửi gắm những đòi hỏi cần phải có một cơ chế quản lý mới, nếu muốn điện ảnh thực sự là một ngành công nghiệp. NSƯT, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng: “Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI đã dùng từ “nền công nghiệp điện ảnh”, tức là đã chú ý đến tính hàng hóa của tác phẩm điện ảnh, đây là một tín hiệu tốt”.
Vấn đề duyệt phim được các nghệ sĩ đặc biệt xoáy sâu tại các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thẳng thắn đề xuất 7 kiến nghị cho điện ảnh Việt, tập trung vào đòi hỏi đổi mới hoạt động duyệt phim. Đạo diễn này cho rằng: “Việc thẩm định nhiều khi phi lý đã không chỉ kéo lùi điện ảnh, làm giảm chất lượng phim mà còn gây lo lắng không đáng có trong giới làm phim. Các nhà sản xuất phim để an toàn và dễ dàng ra rạp, dần dà sẽ có tâm lý làm những phim hời hợt, vô thưởng vô phạt, được gọt giũa tròn trịa mà thiếu đi chiều sâu, cá tính, giọng nói riêng”. Chính vì vậy, theo anh, hoạt động duyệt phim cần phải điều chỉnh lại theo hướng minh bạch hơn với các tiêu chí rõ ràng, thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các đơn vị sản xuất... trên quan điểm chung là ủng hộ sự phát triển đa dạng của điện ảnh Việt.
Dễ thấy sự minh bạch này cũng giúp cho công tác quản lý điện ảnh sát thực tế hơn, vừa kịp thời điều chỉnh những hạn chế vừa thúc đẩy điện ảnh không ngừng đi tới trong không gian sáng tạo của mình.
Đã qua nhiều kỳ liên hoan phim mà công chúng phải làm quen dần với việc thiếu vắng hẳn phim do nhà nước đầu tư sản xuất. Sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt với những bộ phim khẳng định được sức sống bằng doanh thu, do những đạo diễn trẻ được đào tạo ở nước ngoài thực hiện, và nhờ vào một lượng lớn các nhà đầu tư hăm hở lao vào lĩnh vực này... đang đưa điện ảnh Việt đi theo một dòng chảy mới, phù hợp hoàn toàn với định hướng phát triển của điện ảnh nước nhà. Đó cũng là tinh thần của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI là hướng tới “nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Và đòi hỏi của các nghệ sĩ về một cơ chế duyệt phim mới, cũng như sự hỗ trợ kịp thời với sáng tạo là rất chính đáng để tạo ra nhiều động lực, giúp chúng ta tiến tới mục tiêu đó nhanh hơn.