Nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật
Chính trị - Ngày đăng : 17:10, 05/12/2019
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Hiện nay, đời sống văn học, nghệ thuật đang vận động hết sức phong phú, đa dạng, thậm chí phức tạp. Trong khi đó, công tác phê bình chưa thể hiện được vai trò định hướng vốn có của mình. Không ít các nhà phê bình, đặc biệt là các nhà phê bình trẻ chưa thực sự làm chủ được lý thuyết, dẫn đến tình trạng minh họa lý thuyết, vận dụng thiếu nhuần nhuyễn, gò ép thực tiễn, “gọt chân cho vừa giày” vẫn còn phổ biến. Thực trạng này đã tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa lý thuyết với thực tiễn sáng tạo. Một hạn chế quan trọng khác là hoạt động phê bình đang trầm lắng, thiếu tinh thần đối thoại và tranh luận học thuật một cách công bằng, khoa học, trách nhiệm, bản lĩnh.
Hội thảo là dịp để trên 180 nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, đội ngũ văn nghệ sĩ cùng cán bộ lãnh đạo quản lý có dịp cùng nhau bàn thảo, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá kỹ hơn vai trò của phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay trong thực tiễn và hoạt động sáng tạo.
Các đại biểu đã đóng góp 70 bài tham luận, chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng phê bình văn học nghệ thuật nói chung, vai trò định hướng trong hoạt động sáng tạo nói riêng qua đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nền phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới.
Tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, có một thực trạng là dường như các nhà phê bình đang thoái trào. Những bài viết phê bình mang tính khoa học, khách quan đang dần thưa thớt. Đặc biệt, trong lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, rất vắng bóng dáng của những nhà phê bình. Chính những điều này đã khiến những nhà chuyên môn không khỏi trăn trở. Để viết được một bài phê bình không phải chuyện đơn giản.
“So với lý luận, phê bình hiện gặp nhiều khó khăn hơn bởi tính chất va chạm. Phê bình hiện nay không những yếu mà còn thiếu. Nhiều người còn cho rằng, phê bình luôn đi sau bởi chỉ khi có tác phẩm ra đời, phê bình mới thực hiện được chức năng của mình. Đây là quan niệm sai bởi chính từ việc phê bình những tác phẩm trước sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những tác phẩm ra đời sau này. Bên cạnh đó, việc viết phê bình để hướng bạn đọc đến những giá trị chân - thiện - mỹ cũng là câu chuyện khiến giới lý luận, phê bình đau đầu”, Tiến sĩ Phan Đình Tân nói.
Nhà văn Nguyễn Trần Bé, đại biểu đến từ tỉnh Hà Giang cho rằng: Để khắc phục những hạn chế, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nên xây dựng “hệ thống chuẩn giá trị thẩm mỹ” để hạn chế và ngăn chặn sự “loạn chuẩn” hiện nay; tạo dựng một “hệ thống chuẩn giá trị thẩm mỹ” để làm “mực thước”, làm chuẩn mực... Mặt khác, công tác bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng đội ngũ học giả tham gia lĩnh vực phê bình văn học, nghệ thuật nên theo hướng chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, các báo, tạp chí cả nước cần có chính sách ưu tiên đăng tải và tăng mức nhuận bút cho các bài lý luận, phê bình văn học nghệ thuật để tạo sức thu hút các cây bút viết về lĩnh vực “khó nhằn” này.
Nhận định về “Thực trạng lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam hôm nay”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trí Trắc chỉ ra rằng trong giai đoạn hiện nay, công tác lý luận, phê bình sân khấu đã đối lập với văn hóa truyền thống của Việt Nam ở góc độ quan niệm đạo đức “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quý”, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”… Mặt khác, trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, giá trị kinh tế được đề cao, mọi hoạt động xã hội thành hàng hóa, thì những người làm lý luận, phê bình sân khấu đã không có một hệ thống giá trị thẩm mĩ chuẩn để làm điểm tựa cho ngòi bút của mình, cho nên, nhìn lên thì chẳng thấy ai giúp đỡ, nhìn xuống cũng chẳng ai theo mình, khi sân khấu cần “thương mại”, cần “thượng đế” chứ chẳng cần lý luận, phê bình cho ai làm gì!
Về công tác phê bình mấy chục năm qua, nhà phê bình Văn Chinh đưa ra nhận xét: Phê bình thúc đẩy sáng tạo, hướng dẫn nhà sáng tác, vừa dẫn dắt bạn đọc, nếu làm đúng sẽ giúp bạn đọc yêu văn chương hơn. Để chấn hưng công tác phê bình, trước hết những cơ quan có trách nhiệm với phê bình văn học cần tìm ra một hệ lý luận văn học nền tảng. Những gì du nhập mới đây (hậu hiện đại, lý thuyết tiếp nhận/đồng tác giả hay đang hot như “hiện thực thần thực…) cần có ngay một Hội đồng thẩm định đánh giá, kết luận.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đảng ta luôn nhất quán khẳng định lĩnh vực phê bình là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam. Trong khi chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng các nhà phê bình hãy tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình để từng bước góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của phê bình văn học, nghệ thuật. Các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, nêu cao ý thức trau dồi bản lĩnh chính trị, đề cao dũng khí bảo vệ chân lý, cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật như: Phủ nhận thành tựu văn nghệ cách mạng, đòi thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, đề cao, cổ súy những khuynh hướng sáng tạo không phù hợp với thực tiễn hiện nay và truyền thống văn hóa dân tộc.
Tiếp thu những ý kiến của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và các đại biểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, kết luận: Trước đòi hỏi của thực tiễn, phê bình văn học, nghệ thuật chưa phát huy được vai trò kiểm nghiệm, phản biện, sàng lọc và lựa chọn trong quá trình tiếp thu, vận dụng lý thuyết. Thực tế đó làm cho phê bình đứng trước nguy cơ đánh mất vị trí, vai trò vốn có, không giữ được niềm tin của chính đội ngũ sáng tác và của công chúng tiếp nhận.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đề xuất phương hướng, giải pháp cho công tác phê bình trong tình hình mới hiện nay như: Cần tiếp tục đổi mới tư duy phương thức lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý về văn học, nghệ thuật trong công tác phê bình; tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tạo đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ phê bình văn học, nghệ thuật, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Cùng với đó, tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam đề ra kế hoạch hoạt động cụ thể để tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo của các nhà phê bình...