Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm
Chính trị - Ngày đăng : 14:45, 06/12/2019
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm.
Thay mặt tổ đại biểu Hoàn Kiếm, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV. Đồng chí Dương Đức Tuấn cho biết, sau 3 ngày làm việc với tinh thần tích cực, đổi mới, kỳ họp đã hoàn thành chương trình, nội dung đề ra. Hầu hết các đại biểu nhất trí và đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2019. Kết quả đạt được là khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực công tác.
Cùng với đó, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp thực hiện trong năm 2020. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu thành phần đạt thấp, khó hoàn thành kế hoạch, như phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp phụ trợ; có giải pháp đột phá để thu hút nguồn lực và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất để phát triển bền vững; tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và có biện pháp mạnh để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ các huyện còn nhiều khó khăn…
Đồng chí Dương Đức Tuấn cho biết, tại kỳ họp lần này, HĐND thành phố cũng đã xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 17 nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao. Đây là những cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàn Kiếm đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố khóa XV, trong đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, rõ trách nhiệm, tạo niềm tin cho cử tri.
Bên cạnh đó, cử tri quận Hoàn Kiếm cũng kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác chỉnh trang đô thị, trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường tốt thu hút khách du lịch; thu hồi các dự án chậm triển khai để bố trí xây dựng trường học; cẩn trọng triển khai Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, nhất là việc sắp xếp đại biểu chuyên trách cấp quận cho phù hợp; có các giải pháp phòng, chống ô nhiễm môi trường không khí, nước thải…
Các cử tri cũng phản ánh nhiều vấn đề cụ thể. Trong đó, cử tri Nguyễn Mạnh Hùng (phường Trần Hưng Đạo) băn khoăn về việc bỏ HĐND cấp phường, việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân sẽ được thực hiện như thế nào. Cử tri Nguyễn Cẩm Tú (Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiến) cho rằng, chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong trước ngày 31-12-2020 là cần thiết, tuy nhiên nhiều hộ gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chi phí thay thế chất đốt cũng là rào cản, thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ...
Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống, giảm thiểu ô nhiễm không khí
Phát biểu tiếp thu các ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, về việc xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai để mở rộng, xây dựng các trường học, thành phố đang tập trung tháo gỡ đối với khu vực nội thành. Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục sắp xếp một số sở, ngành chuyển về Khu liên cơ quan hành chính thành phố Hà Nội tại quận Tây Hồ, thì sẽ có quỹ đất để mở rộng, xây dựng trường học.
Về vấn đề bổ sung cây xanh ở một số tuyến phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã hoàn thành trồng 1 triệu cây xanh và đang phấn đấu trồng thêm 600.000 cây đến năm 2020. UBND thành phố đã chỉ đạo đơn vị trồng cây phải rà soát, thường xuyên kiểm tra các tuyến phố, nếu thiếu cây xanh và cây chết thì kịp thời trồng bổ sung. Chủ tịch UBND thành phố đã công khai số điện thoại của Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội với cử tri, để cử tri tiện phản ánh trực tiếp và đơn vị kịp thời khảo sát, trồng thay thế theo phản ánh của cử tri.
Đối với ý kiến về việc tăng cơ cấu đại biểu HĐND cấp quận sau khi thực hiện Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, khi xây dựng đề án, thành phố đã đề cập việc tăng đại biểu chuyên trách phụ trách từng khu vực và thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.
Liên quan đến lĩnh vực ô nhiễm môi trường không khí, theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, sơ bộ thống kê có 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô, trong đó có nguyên nhân từ việc đốt than tổ ong. Hiện nay, toàn thành phố có 56.000 hộ gia đình dùng than tổ ong, trong đó 67% dùng ở hộ kinh doanh, chỉ có 33% số hộ gia đình sử dụng. Trong số các hộ gia đình này, tỷ lệ hộ nghèo dùng bếp than tổ ong chiếm 27%. Từ tháng 10-2019 đến 31-12-2020, thành phố tập trung tuyên truyền, vận động người dân dùng chất đốt khác thay thế bếp than tổ ong.
“Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống, giảm thiểu, tiến tới không còn ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần có thời gian, lộ trình, khoa học. Hiện tại, thành phố có 22 trạm quan trắc môi trường, tới đây lắp đặt thêm 120 trạm toàn thành phố, trong đó có 10 trạm quan trắc môi trường di động để đánh giá vùng ô nhiễm cấp bách”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng tiếp thu, trả lời cử tri về vấn đề làm sạch một số sông, hồ; thu gom và xử lý rác thải; công tác cấp nước sạch; bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa...