Tăng cường kỷ luật, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan báo chí
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 15:11, 06/12/2019
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng và phát triển đất nước. Thực tiễn cho thấy, cơ quan báo chí nào có tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì sẽ hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân vững mạnh.
Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Mạnh Hùng, còn hiện tượng một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng về công tác tư tưởng, văn hóa; thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích; một số bài báo có thông tin không trung thực, thiếu chính xác. Việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, tác động tiêu cực và gây bức xúc trong xã hội.
Hội thảo đã ghi nhận 60 bài tham luận, với 12 ý kiến tham luận trực tiếp, tập trung đánh giá vai trò, trách nhiệm, kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của cơ quan báo chí. Tại hội thảo, đại diện Ban Biên tập Báo Hànộimới đã có tham luận với chủ đề: “Nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính trị cho cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá, những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí đã làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện đường lối đổi mới. Với vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp của Đảng và dân tộc; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; là diễn đàn để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, quản lý xã hội.
Tuy nhiên, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng chỉ rõ tình trạng một số cơ quan báo chí đưa thông tin theo lối giật gân, câu khách, phiến diện, thiếu chân thực, khách quan, làm dư luận hiểu chưa đúng, thậm chí có cái nhìn phiến diện, sai lệch vấn đề. Một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đến việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước. Có cơ quan báo chí chỉ quan tâm khai thác các vụ việc tiêu cực, chưa quan tâm đến tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, thiếu hài hòa giữa "xây" và "chống".
Trước yêu cầu mới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí cần tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí.
Thứ hai, với vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, các cơ quan báo chí phải coi trọng công tác tư tưởng, lý luận, trên cơ sở bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Thứ ba, tăng cường kỷ luật, giữ vững sự đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan báo chí.
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm…
Để làm tốt các nội dung trên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cấp ủy Đảng các cơ quan báo chí phát huy vai trò, trách nhiệm; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ làm công tác đảng trong cơ quan báo chí; đào tạo, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên…
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí phải hết sức chú trọng, quan tâm công tác xây dựng Đảng, bởi đây chính là yêu cầu có ý nghĩa quyết định cho hoạt động báo chí bảo đảm tính cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn, phục vụ đất nước và nhân dân.