Cần giải quyết thấu tình, đạt lý!
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:45, 07/12/2019
Để làm 600m đường, 5 công trình văn hóa bị ảnh hưởng
Ngày 26-9-2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 5140/QĐ-UBND, phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường từ đường Phan Đăng Lưu đến Yên Thường, huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/500. Sau khi được phê duyệt chỉ giới đường đỏ, UBND huyện Gia Lâm đã triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, lập, phê duyệt dự án…
Theo đó, Dự án xây dựng tuyến đường theo quy hoạch từ đường Phan Đăng Lưu đến xã Yên Thường (gọi tắt là Dự án đường Phan Đăng Lưu) có chiều dài 2,95km, chạy qua địa bàn thị trấn Yên Viên và các xã: Yên Thường, Yên Viên. Dự án do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi UBND huyện Gia Lâm phối hợp với xã Yên Viên tổ chức họp dân thôn Lã Côi để thông báo công khai các văn bản pháp lý liên quan đến dự án; các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… đã vấp phải phản ứng của người dân thôn Lã Côi.
Ông Phạm Quốc Bản, thôn Lã Côi cho biết: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương triển khai dự án, nhưng chưa đồng tình với việc lập quy hoạch và thiết kế tuyến đường. Cụ thể, tuyến đường dài 2,95km, rộng 28m nhưng chạy ngoằn ngoèo qua 4 thôn của xã (Ái Mộ, Yên Viên, Kim Quan, Lã Côi) với 5 khúc cua, như vậy là không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn đường đô thị. Đáng nói, riêng đoạn đường chạy qua thôn Lã Côi chỉ dài hơn 600m nhưng cắt qua tới 5 công trình gồm: Chùa Sùng Ân; Nhà tưởng niệm Bác Hồ; Nhà tưởng niệm liệt sĩ; Trường Mầm non Hoa Sữa và Nghĩa trang nhân dân thôn Lã Côi.
Ông Trần Văn Khải, Bí thư Chi bộ thôn Lã Côi xác nhận, đại đa số người dân trong thôn chưa đồng tình triển khai vì dự án chạy qua nhiều công trình văn hóa, tâm linh.
Cần sớm tổ chức đối thoại
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã Yên Viên cho biết, ngay sau khi tổ chức hội nghị thông báo, công khai các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án đường Phan Đăng Lưu, đa số người dân thôn Lã Côi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh vị trí, hướng tuyến để tránh các công trình của thôn Lã Côi ra khỏi ranh giới tuyến đường. “Về kiến nghị của nhân dân, ngày 24-10-2019, UBND xã Yên Viên đã báo cáo UBND huyện Gia Lâm để xin ý kiến chỉ đạo” - ông Nguyễn Văn Kỷ thông tin thêm.
Về phía chủ đầu tư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, từ cuối tháng 10-2019, UBND huyện đã nhận được đơn kiến nghị của một số người dân thôn Lã Côi đề nghị điều chỉnh vị trí, hướng tuyến Dự án đường Phan Đăng Lưu. Sau khi nhận phản ánh, lãnh đạo UBND huyện và đại diện các phòng, ban liên quan đã xuống hiện trường và xác nhận phản ánh của người dân là đúng. Vì vậy, UBND huyện sẽ xin ý kiến các cơ quan chức năng để đưa ra giải pháp phù hợp nguyện vọng của người dân nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định.
Liên quan đến phản ánh khi lập chỉ giới đường đỏ tuyến đường, huyện Gia Lâm không tổ chức công khai, lấy ý kiến nhân dân theo quy định, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm quả quyết: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, từ ngày 19-6-2018, chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về chỉ giới đường đỏ của tuyến đường với đầy đủ thành phần liên quan và đại diện cộng đồng dân cư xã Yên Viên.
Đồng thời niêm yết công khai bản vẽ chỉ giới đường đỏ, tỷ lệ 1/500 tuyến đường từ đường Phan Đăng Lưu đến Yên Thường kèm theo văn bản pháp lý và đặt hòm phiếu xin ý kiến cộng đồng dân cư tại UBND xã Yên Viên trong vòng 30 ngày (từ 23-6-2018 đến 23-7-2018). Kết thúc đợt xin ý kiến, chỉ có 7 phiếu góp ý và tất cả đều đồng thuận với bản vẽ chỉ giới đường đỏ, không có ý kiến khác". Tuy nhiên, người dân cho rằng, việc chỉ lấy ý kiến đại diện cộng đồng cư dân và niêm yết bản vẽ tại trụ sở UBND xã để xin ý kiến mà không trực tiếp họp dân, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã… chỉ là công khai mang tính hình thức.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định, việc quy hoạch tuyến đường từ đường Phan Đăng Lưu đến Yên Thường đã được định hướng thống nhất trong các đồ án được UBND thành phố phê duyệt. Các yếu tố kỹ thuật như bán kính cong của tuyến đường đều bảo đảm các yêu cầu theo quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị.
Trước những thông tin chưa thống nhất nêu trên, đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm và các ngành liên quan sớm tổ chức đối thoại với nhân dân thôn Lã Côi; tổ chức đánh giá tác động, ảnh hưởng khi điều chỉnh quy hoạch đến các đối tượng, công trình kiến trúc liên quan để có căn cứ giải quyết dứt điểm kiến nghị của cư dân trên cơ sở thấu tình, đạt lý!