Cơ sở cai nghiện ma túy số I: Sáng tạo để nâng cao chất lượng điều trị

Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 07/12/2019

(HNM) - Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến Cơ sở cai nghiện ma túy số I thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) là không gian xanh - sạch - đẹp. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây làm việc tận tâm, tận tình, không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện. Sống trong môi trường tích cực, sức khỏe của học viên điều trị cai nghiện ma túy theo diện bắt buộc cải thiện rõ rệt.

Học viên học nghề cơ khí tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I. Ảnh: Hà Hiền

Những cán bộ tận tâm

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Ái Học, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số I cho hay, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, môi trường nào, con người luôn là yếu tố trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự thành công hay thất bại trong những việc của cá nhân cũng như tập thể. Nhận thức rõ điều này, Cơ sở cai nghiện ma túy số I luôn khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên phát huy tốt năng lực, sở trường.

Làm việc bằng lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, trong hơn 10 năm công tác tại đây, ông Trần Trung Hiếu, cán bộ Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe đã hỗ trợ điều trị cho hàng nghìn học viên. Gắn bó với học viên như anh em, bạn bè giúp ông Trần Trung Hiếu hiểu rõ tình hình bệnh tật, hoàn cảnh của từng người, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng đối tượng. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu vực điều trị, ông Hiếu vừa kể: Học viên Trần Viết N. (sinh năm 1963), vào điều trị cai nghiện từ cuối tháng 5-2019 trong tình trạng sức khỏe suy yếu do sử dụng ma túy lâu năm và bị bệnh tiểu đường. Thời gian đầu, ông N. chỉ nặng hơn 40kg, da xanh, thường xuyên mất ngủ, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi... Sau quá trình điều trị, hiện nay, học viên N. đã ăn ngon, ngủ sâu, ít nghĩ đến ma túy.

Khác với ông N., học viên Nguyễn Anh T. (sinh năm 1989) đến từ phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm) thiếu thốn tình cảm gia đình. Với học viên T., ông Hiếu cùng đội ngũ y, bác sĩ nơi đây thường xuyên gặp riêng để trò chuyện những câu chuyện về tình yêu thương giữa con người với con người, về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, giúp T. có thêm động lực, niềm tin để cai nghiện…

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, ông Hiếu đã có sáng kiến hỗ trợ người nghiện ma túy điều trị cai nghiện bằng phương pháp tắm các loại nước lá có chứa tinh dầu cho tinh thần thoải mái, sảng khoái. Những việc làm giản dị mà hiệu quả của ông Trần Trung Hiếu được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.

Ngoài trường hợp nêu trên, Cơ sở cai nghiện ma túy số I còn có nhiều cán bộ, nhân viên trở thành điểm tựa tinh thần, giúp những mảnh đời lầm lỡ hướng thiện, được các cơ quan chức năng ghi nhận, biểu dương như ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Trưởng phòng Dạy nghề - Lao động sản xuất; ông Phan Văn Tân, cán bộ Phòng Giáo dục - Hòa nhập cộng đồng…

Nhiều mô hình sáng tạo

Cơ sở cai nghiện ma túy số I thường xuyên quản lý, điều trị cho hơn 300 người đi cai nghiện theo diện bắt buộc, trong đó số học viên từng có tiền án, tiền sự chiếm hơn 70%, số người có HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác chiếm hơn 30%. Đại đa số học viên từng sử dụng ma túy tổng hợp, khi mới vào điều trị cai nghiện thường có biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc, tâm lý… Với những trường hợp này, để nâng cao hiệu quả điều trị, ngoài các giải pháp trợ giúp về y tế, họ cần được hỗ trợ về việc làm, tạo điều kiện để sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao…

Thấu hiểu nhu cầu của học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy số I đã tận dụng cơ sở vật chất hiện có để xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng theo quy trình khoa học, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Sau thời gian điều trị cắt cơn, sức khỏe dần cải thiện, học viên sẽ tham gia lao động sản xuất. Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số I đang nuôi hơn 1.000 con lợn, hơn 3.000 con gà, ngan, vịt, nuôi cá, trồng rau trên diện tích hàng nghìn mét vuông, cung ứng đủ thực phẩm cho các bữa ăn của cán bộ, học viên. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Trưởng phòng Dạy nghề - Lao động sản xuất: “Mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi tại các cơ sở cai nghiện ma túy mang lại lợi ích kép. Nguồn thực phẩm an toàn giúp học viên có sức khỏe tốt hơn. Học viên có việc làm sẽ suy nghĩ tích cực hơn. Chi phí hỗ trợ điều trị cai nghiện giảm đáng kể…”.

Để học viên có khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian điều trị cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma túy số I thường xuyên trang bị cho học viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh. Những người trẻ tuổi còn được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, học nghề may công nghiệp, cơ khí… Đặc biệt hơn, tất cả học viên được tham gia sinh hoạt văn hóa, tập thể dục, thể thao vào thời gian phù hợp trong ngày.

Các mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện được triển khai hiệu quả tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện. “Trong những năm gần đây, cơ sở của chúng tôi không có học viên bỏ trốn, không xảy ra những vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng. Số lượng và tần suất học viên phải khám, điều trị bệnh trong quá trình cai giảm 50%. Không ít học viên có đủ bản lĩnh, niềm tin để hòa nhập cộng đồng”, ông Nguyễn Ái Học, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số I cho hay.

Minh Ngọc