Xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số: Châu Âu không muốn chậm chân
Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 08/12/2019
Tiền kỹ thuật số chỉ có thể sở hữu và giao dịch bằng cách sử dụng máy tính hoặc ví điện tử được kết nối với internet hoặc các mạng được chỉ định. Giống như bất kỳ loại tiền tệ tiêu chuẩn nào, tiền kỹ thuật số có thể mua hàng cũng như thanh toán dịch vụ. Vì thanh toán bằng tiền kỹ thuật số được thực hiện trực tiếp giữa các bên mà không cần bất kỳ trung gian nào nên giao dịch có thể thực hiện tức thời và xuyên biên giới. Giao dịch điện tử dựa trên tiền kỹ thuật số cũng có lợi thế trong việc lưu giữ hồ sơ và sự minh bạch. Với sự tiện lợi này, sau tiền điện tử Bitcoin, nhiều định chế khác cũng đã có kế hoạch cho ra đời tiền kỹ thuật số.
Theo Asher Tan, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của sàn giao dịch kỹ thuật số CoinJar ở Australia, cuộc chiến giành quyền bá chủ thế giới tương lai sẽ diễn ra trong lĩnh vực đồng tiền kỹ thuật số. Facebook và Tập đoàn Libra đã hướng tới việc phát minh đồng tiền cho thời đại internet, trong khi Chính phủ Trung Quốc vừa thông qua luật mật mã sẽ có hiệu lực từ tháng 1-2020 để tạo điều kiện cho sự ra đời đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương nước này. Ở Australia cũng như trên toàn cầu, việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số không chỉ giới hạn trong giới yêu thích công nghệ mà đã mở rộng sang giới đầu tư.
Trong bối cảnh như vậy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau đã kêu gọi hình thành các dự án phát triển một đồng tiền số từ năm 2020. Ông De Galhau cho biết: "Các ngân hàng trung ương thuộc EU cần tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số. Chúng tôi muốn khởi động việc thử nghiệm nhanh chóng và sẽ đưa ra một lời kêu gọi các dự án trước khi kết thúc quý I năm 2020". Hiệp hội các ngân hàng Đức - một nhóm vận động gồm hơn 200 ngân hàng thương mại tư nhân, gần đây cũng kêu gọi ra mắt đồng euro kỹ thuật số và một nền tảng thanh toán chung châu Âu.
Đồng tình với quan điểm này, Benoit Coeure - thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, châu Âu phải vượt qua sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thanh toán quốc tế như: Visa, MasterCard, Amazon, Apple và PayPal - tất cả đều có trụ sở tại Mỹ. Hiện tại, cựu lục địa có nguy cơ mất lợi thế về kinh tế vì thiếu các giải pháp quy mô ở tầm quốc gia.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis, nhóm của ông đang lên kế hoạch ra mắt một hệ thống thanh toán tức thời toàn châu Âu vào cuối năm 2021 được gọi là TIP. Để không bị “chậm chân” với xu hướng thời đại, một nghiên cứu về tác động của việc lưu hành đồng tiền số trong đời sống xã hội cũng sẽ nhanh chóng được đưa ra trong thời gian tới.