"Sức sống" mới cho bảo tàng

Văn hóa - Ngày đăng : 06:41, 08/12/2019

(HNM) - Tăng tính tương tác, tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa hoạt động tham quan... là những nỗ lực của nhiều bảo tàng trên địa bàn Hà Nội nhằm đổi mới hoạt động, thêm sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng. Giờ đây, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử - văn hóa, mà còn là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, với chức năng tương tác, phản biện mạnh mẽ.

Khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được hỗ trợ thuyết minh qua hệ thống tự động. Ảnh: Bá Hoạt

“Trẻ hóa” hoạt động trưng bày

Triển lãm “Cuộc gặp gỡ xưa - nay” diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam những ngày này đặc biệt hấp dẫn người xem từ những tác phẩm tranh dân gian “vẽ lại”, gần gũi với đường nét, sắc màu dân tộc, nhưng mới lạ trong nội dung, phong cách thể hiện. Say sưa ngắm nhìn những tác phẩm mỹ thuật giao thoa phong cách cổ điển - hiện đại đầy độc đáo, ông Nguyễn Đình Hùng (ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, những sáng tạo mới mẻ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống bằng tinh thần và vẻ đẹp đương đại, khẳng định sức sống tươi mới của mỹ thuật dân gian, mà còn tạo nên cuộc đối thoại hấp dẫn giữa hiện tại và quá khứ, điều rất cần có ở một bảo tàng hiện đại.

Trước đó, tại Bảo tàng Hà Nội, công chúng và du khách hào hứng khám phá không gian trưng bày ứng dụng công nghệ đa phương tiện, trải nghiệm nội dung trưng bày thông qua phương tiện hỗ trợ đa chiều, nhiều tương tác. Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, ứng dụng công nghệ đa phương tiện vừa được bảo tàng đưa vào hoạt động trưng bày trong năm nay, nhằm tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn, cuốn hút hơn cho công chúng. “Ở đây, công nghệ 3D Mapping trình chiếu hiện vật, công nghệ xử lý hình ảnh ở thời gian thực - Realtime, kết hợp cùng âm nhạc và nhiều hỗ trợ tương tác khác, mang đến cho người xem những cảm nhận rõ nét, chân thực và có chiều sâu về nội dung trưng bày”, ông Nguyễn Tiến Đà chia sẻ. 

Là một trong những nơi tích cực đa dạng hóa hoạt động tham quan, trải nghiệm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang triển khai dự án tuyển tình nguyện viên hỗ trợ chương trình vui Tết Nguyên đán 2020. Nhiều vị trí ứng tuyển được đưa ra, từ dẫn chương trình, truyền thông, hướng dẫn chơi trò chơi, dạy làm đồ chơi, ẩm thực, vẽ tranh..., đến hỗ trợ nâng cao ý thức cộng đồng, đã gợi mở rất nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn. Hào hứng đăng ký tham gia dự án, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Ngô Phương Dung bày tỏ: "Đã nhiều lần được tham gia các hoạt động hỗ trợ chương trình giao lưu, tương tác của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tôi cảm thấy rất vui khi được hòa mình vào các hoạt động vui chơi, trải nghiệm trẻ trung, sôi nổi cũng như được khám phá, tìm hiểu thêm về văn hóa dân tộc".

Thị hiếu công chúng là thước đo giá trị

Hoạt động tương tác tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu hút đông đảo trẻ em tham gia.

Những nỗ lực làm mới bản thân ở nhiều bảo tàng trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cho thấy, tính năng động, nhanh nhạy của nhiều đơn vị nhằm thay đổi quan điểm tồn tại lâu nay về “không gian đóng khung, nặng tính hàn lâm, chỉ dành riêng cho những nhà khoa học, những người nghiên cứu mà xa lạ với cộng đồng”, từng bước mang đến làn gió mới cho hoạt động của bảo tàng. Nhiều bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy du lịch tăng trưởng, như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh...

Theo Tiến sĩ Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đổi mới công tác trưng bày là vấn đề sống còn để khẳng định vị trí, tầm quan trọng của bảo tàng trong đời sống xã hội, đánh thức tiềm năng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng đang lưu giữ, cũng là khơi thêm "sức sống" mới cho các bảo tàng. “Hai từ “bảo tàng” cần được hiểu theo nhiều nghĩa mới, không chỉ là nơi lưu giữ những gì đã qua, mà còn là nơi cho công chúng tìm đến trải nghiệm, học hỏi những kiến thức mới và có những phút giây thoải mái; trong đó, thị hiếu của công chúng chính là thước đo sức hấp dẫn của bảo tàng”, ông Võ Quang Trọng chia sẻ.

Để làm được điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản cho rằng, ngoài việc đầu tư chất xám và cơ sở vật chất để đưa ra những nội dung trưng bày đạt chất lượng, gợi cảm xúc, kích thích sự tò mò, tìm hiểu ở người xem, các bảo tàng cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, chủ động kết nối với các công ty lữ hành du lịch, giúp đưa du khách tới bảo tàng. Ngoài ra, công tác đào tạo cũng cần được thực hiện thường xuyên để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử ngày càng đa dạng của du khách.

Định hướng cho hoạt động bảo tàng phát triển, đáp ứng xu thế thời đại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch” tại Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL ngày 24-12-2018. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, đề án tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đó là đổi mới nội dung, hình thức trưng bày bảo đảm không trùng lặp, khô cứng, thiếu hấp dẫn; đa dạng hóa hoạt động tham quan, nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch...

“Các bảo tàng cần đa dạng hóa hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, cố gắng tạo ra nhiều hoạt động tương tác để khách được tham gia và trải nghiệm đồng thời kết nối, phối hợp trong hệ thống để có sự hỗ trợ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ giữa các bảo tàng với nhau”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng lưu ý.

Nguyễn Thanh