Cần thêm giải pháp để du lịch Việt Nam đạt mục tiêu 45 tỷ USD vào năm 2025
Du lịch - Ngày đăng : 18:50, 09/12/2019
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Trong đó, các nhóm chỉ số tăng hạng nhiều nhất, gồm: Mức độ mở cửa quốc tế (tăng 15 bậc); sức cạnh tranh về giá (tăng 13 bậc); hạ tầng hàng không (tăng 11 bậc) so với năm 2017.
Ngoài ra, năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới; được bình chọn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, thành phố Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2019.
Tháng 11 năm 2019, Việt Nam đón 1,81 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018. Đây là lượng khách cao kỷ lục của một tháng, gấp 1,5 lần lượng khách tháng 11-2017, gấp 2 lần so với lượng khách tháng 11-2016. Nhờ đó, trong 11 tháng của năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đặt ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức để phát triển bền vững và trước mắt còn nhiều việc phải tập trung thực hiện để đến năm 2021, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam ở nhóm 50 thế giới, đồng thời đạt mục tiêu tổng doanh thu 45 tỷ USD vào năm 2025.
Hàng loạt thách thức đã được chỉ ra tại diễn đàn như: Năm 2019, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam dù được cải thiện nhưng nhiều chỉ số còn bị tụt hạng và ở mức thấp. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn để phát triển du lịch chưa được giải quyết triệt để: Công tác xúc tiến quảng bá chưa thực sự hiệu quả do hạn chế về nguồn lực, cơ chế vận hành, Quỹ hỗ trợ và phát triển du lịch chưa được vận hành và đi vào hoạt động; hạ tầng sân bay có xu hướng quá tải, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng cao về số lượng khách du lịch...
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý cũng đã thảo luận về việc tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách; cải thiện quá trình lập kế hoạch, đặt dịch vụ của du khách; cải thiện trải nghiệm cho khách du lịch tại điểm đến; áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn vào vận hành quản lý các điểm đến du lịch...