Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm dịp cuối năm
Xã hội - Ngày đăng : 08:43, 09/12/2019
Nỗi lo từ thực phẩm ở chợ truyền thống
Thời điểm này, các sạp thực phẩm khô, thực phẩm đóng gói như bánh kẹo, mứt các loại được các tiểu thương khu vực chợ Bình Tây (quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) bày bán với chủng loại và mẫu mã rất đa dạng. Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, có rất nhiều chủng loại mứt với nhãn hiệu mới, các tiểu thương cho biết đây là hàng “xưởng nhà” sản xuất và nói với khách hàng rằng “cứ yên tâm về chất lượng”.
Ông Nguyễn Viễn Thành, chủ sạp 122B ở chợ Bình Tây cho biết, đối với các mặt hàng bánh kẹo và mứt, khách mua sỉ hay mua lẻ đều đáp ứng được. “Nếu xưởng nhà sản xuất không đủ cung cấp, chúng tôi có thể lấy hàng từ các nhà sản xuất khác”, ông Thành cho hay.
Khi chúng tôi hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm, ông Thành khẳng định: “Anh khỏi lo, vấn đề đó nhà sản xuất chịu trách nhiệm”. Chị Trần Mai Anh (quận 8) cho biết: "Năm nào tôi cũng đến chợ này mua mứt Tết, nhưng về chất lượng thì cũng khó nhận biết, cứ mua sử dụng thôi!".
Đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, theo ghi nhận, hầu hết các chợ truyền thống đều không có nhãn mác hay thông tin nguồn gốc, xuất xứ. Chị Phan Thị Huệ (tiểu thương quầy thịt lợn tại chợ Tân Mỹ, quận 7) phản ánh: "Ngay cả tiểu thương cũng khó biết chính xác cơ sở giết mổ có chứng nhận an toàn hay không. Khi chúng tôi nhập hàng từ cơ sở giết mổ, chủ yếu kiểm tra bằng mắt thường, chứ không có hồ sơ chứng từ liên quan đến an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng cũng ít quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ nên chúng tôi cũng không để ý".
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong 1 tháng gần đây, cơ quan này đã ban hành 100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn với tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, 48 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có giấy chứng nhận, nhưng đã hết hạn trên 3 tháng.
Tăng cường quản lý chất lượng
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và chuỗi bán lẻ trên địa bàn thành phố đã chủ động vào cuộc để bảo đảm an toàn thực phẩm khi cung cấp đến người tiêu dùng. Mới đây, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã công bố áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh tại hệ thống siêu thị. Theo đó, các chỉ tiêu an toàn và độ tươi ngon của các loại sản phẩm rau củ quả, thủy hải sản, trái cây đều được nâng cao, tiệm cận tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, kể từ tháng 10-2019, tiêu chuẩn đầu vào của các mặt hàng thực phẩm tươi sống khi đưa vào kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn dưới sự hỗ trợ của BSI Việt Nam - Công ty chuyên về đánh giá, cấp chứng nhận và đào tạo về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm từ Vương quốc Anh.
“Mong muốn của chúng tôi là gắn kết chặt chẽ với các nhà sản xuất, các đơn vị cung cấp để cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt việc cung ứng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống đến người tiêu dùng”, ông Phạm Trung Kiên cho hay.
Về phía nhà sản xuất, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại mới với công nghệ tiên tiến và hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Vì vậy, những sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng sẽ bảo đảm an toàn.
Nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm thời điểm cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 15-12-2019 đến 25-3-2020, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm thành phố sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành từ thành phố đến cấp phường, xã, thị trấn. Công tác kiểm tra tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, các làng nghề chế biến thực phẩm...
“Với những thực phẩm tươi sống, phân phối tại các chợ truyền thống, đoàn kiểm tra sẽ tăng cường tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm nhanh về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàn the, formol, độ sạch của dụng cụ… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Tất cả vì mục tiêu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội xuân 2020”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.