Trời lạnh, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao: Người già, trẻ em nhập viện tăng đột biến
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:54, 09/12/2019
Dễ bị cúm, bệnh phổi, đột quỵ... tấn công
Điều trị tại Khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh viện Phổi trung ương được 10 ngày, ông Cao Xuân K. (60 tuổi ở Hà Nội) thấy sức khỏe đã tốt hơn. Ông K. kể: "Tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2 năm nay. Từ đầu mùa rét, đây cũng là lần kịch phát cơn khó thở đầu tiên. Do dùng thuốc không đều đặn, nên các cơn ho, khó thở, tức ngực tăng lên, nên tôi phải nhập viện".
Khoảng 1 tháng nay, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp: Viêm phổi, viêm phế quản cấp, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... điều trị tại Bệnh viện Phổi trung ương tăng lên rõ rệt, ước khoảng 300 người (gấp 1,5 lần so với những tháng khác trong năm). Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của bệnh viện cho biết, thời tiết nóng, lạnh đột ngột, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, khiến cơ thể của bệnh nhân, nhất là người cao tuổi và người có sẵn bệnh mạn tính sẽ không đủ sức đề kháng để kịp thời thích ứng.
Theo PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết lạnh là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Trung tâm Hô hấp, mỗi năm tiếp nhận khoảng 7.000 bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp nhập viện, trong đó có khoảng 30% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính. Mùa đông rét mướt, có những ngày tiếp nhận tới 15-20 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện và đa phần là những cơn kịch phát diễn biến nặng, phải thở máy…
Nhiệt độ giảm mạnh còn là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Qua thống kê của Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Thanh Nhàn cho thấy, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng 15-30%. Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim...
Tại Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận những bệnh nhân đột quỵ do đi tập thể dục quá sớm. PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, khi trời lạnh, nhiều người vẫn tập thể dục vào lúc 4-5h sáng là rất nguy hiểm.
Còn theo thống kê của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, từ giữa tháng 11-2019 đến nay, mỗi tuần, tại đây tiếp nhận 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Đơn cử như trường hợp của bé Nguyễn Minh K. (6 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do cúm A, đến nay đã gần 1 tuần. Trước đó, buổi trưa đi học về, bé K. bỗng nhiên lên cơn sốt cao tới 39-40 độ. Gia đình cho bé uống thuốc hạ sốt, nhưng không đỡ. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, kết quả xét nghiệm cho thấy, bé K. dương tính với vi rút cúm A.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, thông thường cúm mùa diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Cần phòng bệnh đúng cách
Để phòng bệnh cho trẻ trong điều kiện thời tiết như hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, nên giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu... Khi trẻ chơi đùa bị toát mồ hôi, cần cởi áo, hoặc dùng khăn mềm lau mồ hôi cho trẻ, vì nếu không sẽ rất dễ bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi…
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Đồng thời, vệ sinh đường hô hấp bằng cách hằng ngày nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ và súc miệng. Đối với bệnh cúm, cách phòng bệnh hiệu quả là cho trẻ tiêm vắc xin.
Không chỉ có trẻ em, người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều khi thời tiết thay đổi. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo, trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh: Cảm lạnh, cúm, viêm phổi… Các bệnh mạn tính như: Hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp... cũng dễ tiến triển nặng, đặc biệt tăng huyết áp dễ gây đột quỵ. Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục, nhưng tuyệt đối không ra ngoài trời lúc 4-5h sáng. Với những người mắc bệnh mạn tính cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, Bệnh viện Bạch Mai đặc biệt lưu ý đến “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ là khoảng 3-5 giờ, tính từ lúc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu: Méo miệng, nhìn mờ, đột ngột yếu, tê mặt và tay chân, đau đầu, chóng mặt dữ dội… Khi phát hiện người bị đột quỵ nên gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm, càng tốt. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà, dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian trị bệnh.
Chiều 8-12, theo tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn, trong hai ngày cuối tuần (7 và 8-12), tại đây đã tiếp nhận điều trị cho gần 20 bệnh nhân nhập viện do đột quỵ. Bệnh viện Lão khoa trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông... cũng ghi nhận nhiều người cao tuổi nhập viện điều trị các bệnh về tim mạch, hô hấp, xương khớp... do ảnh hưởng của sự chênh lệch lớn nhiệt độ ngày và đêm như hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh. Ngoài ra, các bệnh viện phải bố trí đầy đủ số thuốc, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp...