Thúc đẩy sự phát triển bền vững của thực phẩm đồ uống
Công nghệ - Ngày đăng : 07:33, 10/12/2019
Theo thống kê, lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng từ 3,8kg lên mức 41,3kg/người trong giai đoạn 1990-2018. Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, mỗi ngày, thành phố phát sinh hơn 500 tấn rác thải nhựa, chủ yếu trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng. Việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong thực phẩm và đồ uống sẽ gây hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Hoàng Linh cho biết, ở thời điểm năm 2017, lượng rác thải nhựa của Việt Nam lên tới 2,25 triệu tấn, trong đó có lượng không nhỏ rác thải từ bao bì nhựa của thực phẩm và đồ uống. Dựa trên các yếu tố về phát triển xã hội hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị có thể tăng hơn 40% vào năm 2030. Còn theo ông Phạm Hoàng Hải, chuyên gia về phát triển bền vững của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lượng chất thải nhựa của thực phẩm và đồ uống thải ra môi trường mỗi năm đều tăng lên, nhưng chỉ một nửa được thu hồi và xử lý, trong đó số được đưa vào tái chế chỉ chiếm 7-9%.
Do vậy, hành động để giảm rác thải nhựa, hướng đến mục tiêu bền vững trong kinh doanh và quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh nêu rõ, đã đến lúc các doanh nghiệp không chỉ nghĩ đến kinh doanh đơn thuần, mà cần hướng tới kinh tế tuần hoàn. Hành động cụ thể là hạn chế dần lượng bao bì nhựa và tái chế rác thải từ bao bì nhựa. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các giải pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều doanh nghiệp đã sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ uống đã cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu giảm thiểu, quản lý bao bì, rác thải nhựa nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Tổng Giám đốc La Vie Việt Nam Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch PRO Vietnam (Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam) cho biết, ngày 21-6-2019, với mục tiêu chung là cải thiện môi trường Việt Nam, 9 doanh nghiệp gồm: TH Group, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation đã bắt tay nhau thành lập PRO Vietnam.
“Trong sản xuất phải tính đến vấn đề phế thải, bao bì thải hôm nay sẽ trở thành nguyên liệu cho ngày mai. Cho dù mất vài năm hay thậm chí một thập kỷ Việt Nam mới hoàn thành mục tiêu cũng vẫn phải làm”, ông Fausto Tazzi nêu rõ.