Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2019 còn chậm
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:34, 10/12/2019
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018, có 855 doanh nghiệp có vốn nhà nước, gồm 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 350 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng vốn nhà nước là 1.533.001 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 1.368.867 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn nhà nước là 164.134 tỷ đồng.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3.715.187 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 110/855 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị lỗ, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước là 367.712 tỷ đồng.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là 2.937.871 tỷ đồng, tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 39% tổng tài sản. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản 2.690.431 tỷ đồng; còn lại là các công ty TNHH MTV độc lập.
Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2019, 9 doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng chỉ 3 doanh nghiệp trong số này thuộc danh mục các doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 36 doanh nghiệp thuộc danh mục trên, số doanh nghiệp còn phải thực hiện theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Về tình hình thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong năm 2019, có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục đã thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019 đã thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị, giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng.
Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp và triển khai thoái vốn nhà nước đều chậm, không đạt kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân của việc chậm trễ là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn. Quá trình cổ phần hóa cần nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện...