GSK cùng các Hiệp hội Y khoa kêu gọi nâng cao nhận thức về đề kháng kháng sinh
Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 09:57, 12/12/2019
Tại sự kiện từ ngày 23-11 đến 19-12, nhiều chuyên gia bàn về các chiến lược nhằm chống lại tình trạng ĐKKS, trong đó quan trọng nhất là việc thống nhất, hợp tác giữa bệnh nhân và nhân viên y tế trong việc lựa chọn và điều trị bằng kháng sinh, đồng thời, tuyệt đối không cho người khác dùng chung kháng sinh hoặc tận dụng kháng sinh còn thừa.
Việt Nam hiện còn thiếu các dữ liệu giám sát ĐKKS tại cộng đồng giúp định hướng dùng kháng sinh đúng, dẫn tới thực trạng sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng kháng sinh thế hệ mới và kháng sinh phổ rộng, gây ra tình trạng gia tăng ĐKKS.
Về phía bệnh nhân, việc sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ còn hạn chế, người bệnh thường tự ý ngưng thuốc khi giảm triệu chứng, do đó, vi khuẩn không được diệt trừ hoàn toàn, tạo điều kiện cho vi khuẩn đề kháng với thuốc.
“Muốn khỏi bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ dẫn kê đơn của bác sĩ và cần hoàn tất liệu trình điều trị kháng sinh. Không có lối tắt nào để nhanh hết bệnh và kháng sinh cần được sử dụng đúng loại, đúng liều và đủ thời gian”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Tai mũi họng nhi thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng ĐKKS đang gia tăng rộng rãi ở các nước, trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ ĐKKS cao nhất thế giới.
Dự kiến đến năm 2050, đề kháng kháng sinh sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong hằng năm, có nghĩa là, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc.
Cùng mục tiêu đẩy lùi ĐKKS, ông Dan Millard, Trưởng đại diện GSK tại Việt Nam chia sẻ: “GSK là một trong những công ty đi đầu trong cuộc chiến chống lại ĐKKS trong nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng. Chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực trong công tác giảm thiểu tình trạng ĐKKS như: Nghiên cứu phát triển vắc xin mới nhằm bảo vệ cộng đồng trước các tác nhân gây bệnh và giảm bớt sự lệ thuộc vào kháng sinh; triển khai khảo sát đề kháng kháng sinh (SOAR) nghiên cứu đa quốc gia trên thế giới nhằm đo lường độ nhạy cảm của các tác nhân gây nhiễm khuẩn đường hô hấp mắc phải trong cộng đồng. Với cam kết luôn đồng hành cùng sự phát triển của ngành Y tế Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực toàn diện để mang đến những giải pháp từ phòng ngừa đến điều trị phù hợp cho người Việt trong thời gian tới”.