Kiểm tra, chấm điểm vệ sinh an toàn thực phẩm tại huyện Thanh Oai

Xã hội - Ngày đăng : 13:51, 12/12/2019

(HNMO) - Ngày 12-12, Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tạ Văn Tường làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Đoàn kiểm tra thực tế tại bếp ăn tập thể của Trường Mầm non xã Thanh Cao.

Theo ông Lê Văn Bắc, Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Oai, trên địa bàn huyện có khoảng 2.100 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất rượu thủ công. Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện đã cấp 144 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Huyện đã kiểm tra 141 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và dịch vụ ăn uống, qua đó phát hiện 58 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 175 triệu đồng, tịch thu 185 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Để kiểm soát chất lượng nông sản bán trên thị trường, huyện đã xây dựng được 3 chuỗi sản phẩm nông nghiệp là chuỗi thịt lợn an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước); chuỗi trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu); chuỗi gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng). Huyện tự chấm điểm, xếp loại về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2019 đạt 92/100 điểm; xếp loại: Tốt.

Tại buổi kiểm tra, các thành viên trong Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và giải pháp mà huyện cần thực hiện như: Công khai các cơ sở bảo đảm chất lượng hay vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng; mua sắm trang thiết bị cho thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện bảo đảm làm việc hiệu quả; các tuyến xã tăng cường công tác xử lý vi phạm để đủ sức răn đe.

Kết luận buổi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đánh giá cao những kết quả mà huyện đã được về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Về lâu dài, huyện cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác này ở tuyến xã, thị trấn; phối hợp với các sở, ngành của thành phố tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; phát triển mạnh các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản để truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng bán trên thị trường.

Trước đó, Đoàn đã kiểm tra thực tế tại chuỗi sản xuất gạo thơm Bối Khê của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng và bếp ăn tập thể của Trường Mầm non xã Thanh Cao. Qua kiểm tra thực tế, Đoàn đánh giá cao về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở hai cơ sở này.

Ngọc Quỳnh