Băn khoăn chọn sách giáo khoa lớp 1

Giáo dục - Ngày đăng : 06:34, 12/12/2019

(HNM) - Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối tháng 3-2020, các nhà trường phải “chốt” phương án chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, cho đến nay, công đoạn chọn sách giáo khoa như thế nào để bảo đảm phù hợp với học sinh vẫn đang là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn.

Nếu không có hướng dẫn cụ thể, các nhà trường sẽ rất khó khăn trong việc chọn sách giáo khoa lớp 1 phù hợp với học sinh.

Giao quyền cho nhà trường

Khác với công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 22-11-2019 về việc UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020-2021 tại các trường học trên địa bàn, ngày 30-11-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó giao nhiệm vụ cho các trường học thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ở đơn vị mình.

Lý giải về sự điều chỉnh này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết, Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Tuy nhiên, đến ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục này mới có hiệu lực, trong khi sách giáo khoa lớp 1 phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 để kịp thời cung cấp, sử dụng từ năm học 2020-2021. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có quy định: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Theo dự thảo, mỗi nhà trường thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và yêu cầu bắt buộc phải có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên, có sự tham gia của đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường. Sách giáo khoa được lựa chọn phải nằm trong Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, gồm 32 bản mẫu sách do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Dự thảo cũng nêu rõ quy trình lựa chọn, trong đó tổ chuyên môn có trách nhiệm nghiên cứu, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa của các môn học, hoạt động giáo dục; hội đồng họp, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn sách giáo khoa của tổ chuyên môn và bỏ phiếu lựa chọn...

Ít thông tin, nhiều lo lắng

Các nhà trường sẽ có khoảng hơn một tháng để nghiên cứu, dạy thử, học thử sách giáo khoa lớp 1. Ảnh: Viết Thành

Thông tin về việc các nhà trường có thể được giao quyền lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021, khiến nhiều người dân, phụ huynh học sinh và đại diện lãnh đạo các nhà trường băn khoăn, lo lắng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) cho rằng, việc đưa đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường vào thành phần hội đồng lựa chọn sách giáo khoa chỉ mang tính hình thức. Bởi, thời điểm triển khai, họ là phụ huynh của những học sinh đang học từ lớp 1 đến lớp 5 - đối tượng không tham gia học chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Sớm nhất cũng phải đến tháng 8-2020, học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 mới tựu trường. Như vậy, phụ huynh học sinh của lớp 1 theo học chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới lại không phải là đối tượng được tham gia vào hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) Trần Thị Bích Liên, việc quyết định lựa chọn bộ sách nào để sử dụng là trách nhiệm rất nặng nề đối với mỗi nhà trường, vì vậy, công đoạn này cần phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và minh bạch. Để lựa chọn được bộ sách phù hợp, cán bộ, giáo viên phải được tiếp cận sớm với nội dung cụ thể của từng bản mẫu sách; thậm chí, giáo viên, học sinh phải được dạy thử, học thử...

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Đặng Văn Viện cho rằng, mặc dù tất cả các bản mẫu sách giáo khoa có trong Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được biên soạn theo chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định, song cách thức thể hiện ở từng bản sách lại khác nhau, nhằm đáp ứng cho đối tượng học sinh ở các địa bàn. Nếu không có hướng dẫn cụ thể và các tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn sách, sẽ rất khó cho các nhà trường trong việc đưa ra quyết định phù hợp...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông đang được công bố công khai để lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 30-1-2020. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các nội dung để sớm ban hành thông tư chính thức. Từ thời điểm thực hiện thông tư đến khi chốt phương án chọn sách giáo khoa lớp 1 vào cuối tháng 3-2020, các nhà trường sẽ có khoảng hơn một tháng để thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa, do vậy, việc tổ chức nghiên cứu, dạy thử, học thử không gặp khó khăn và hoàn toàn có thể bảo đảm tiến độ.

Thống Nhất