Kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP
Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:04, 13/12/2019
Trong tuần qua, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) đã diễn ra hội chợ trưng bày, quảng bá giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương và UBND quận Tây Hồ tổ chức. Hội chợ quy tụ 200 gian hàng với hơn 2.000 sản phẩm, trong đó có nhiều đặc sản của Hà Nội như: Bánh kẹo Trụ Hoa (thị xã Sơn Tây); bánh cuốn Thanh Trì, thịt lợn ốc quế (Ba Vì); gạo Khu Cháy (Ứng Hòa)...
Đến với hội chợ, cơ sở bánh kẹo Trụ Hoa (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) có nhiều sản phẩm mang đặc trưng vùng miền như kẹo lạc, kẹo dồi, chè xanh, bánh chưng, bánh tẻ truyền thống... thu hút khá đông người dân tới thưởng thức, mua sắm. Theo ông Đàm Quang Trụ - chủ cơ sở sản xuất, tham gia hội chợ là cơ hội để quảng bá sản phẩm, tiếp cận với người tiêu dùng.
Trong khi đó, gian hàng bán rau mầm, rau ăn lá của Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cũng hấp dẫn khách mua hàng. Giám đốc Hợp tác xã Bùi Thị Thanh Hà giới thiệu: "Rau mầm được trồng từ các hạt: Cải, muống, hành tây, đậu xanh, đậu đỏ... sau 4-10 ngày thì cho thu hoạch; còn rau ăn lá thì thu hoạch khi còn non (khoảng 40-50% khả năng sinh trưởng của rau thông thường) nên nhiều chất dinh dưỡng, gần như không có xơ, bã, chỉ cần rửa sạch là chế biến thành món ăn".
Hội chợ chỉ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 6 đến 8-12-2019) nhưng thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan, mua sắm. Bà Phạm Thị Hương, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho biết: “Đây là hội chợ OCOP lần thứ hai được tổ chức tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn từ tháng 9-2019 đến nay. Lần nào diễn ra hội chợ, gia đình tôi cũng tới mua khá nhiều đặc sản”.
Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch nhận định: Sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, phần lớn do các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn sản xuất nên việc phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc kết nối, xây dựng điểm quảng bá sản phẩm OCOP là hết sức quan trọng. Hội chợ này chính là cơ hội giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng, giúp sản phẩm OCOP có thể lan tỏa rộng rãi.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, năm 2019, đơn vị tổ chức được 4 sự kiện kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền, được nhà sản xuất và người tiêu dùng đánh giá cao. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại phát triển Châu Anh Nguyễn Thị Hằng có gian hàng giới thiệu gạo Khu Cháy tại hội chợ nhấn mạnh: “Sau mỗi chương trình hội chợ, doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc với đối tác, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì để thu hút khách hàng, tăng giá trị, lợi nhuận”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường chia sẻ, cùng với các hội chợ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã và đang kết nối với nhiều doanh nghiệp nhằm khớp nối các chủ thể có sản phẩm OCOP để triển khai phân phối tại siêu thị, chuỗi bán lẻ. Thời gian tới, Sở sẽ có “thư ngỏ” gửi tất cả đại lý, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, khách sạn… để những nơi này ưu tiên nhập sản phẩm OCOP; đồng thời tạo cầu nối liên kết các hộ dân, hộ kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến, sản phẩm đặc sản, có thế mạnh của Hà Nội và các vùng miền trong cả nước với nhà nhập khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị, người tiêu dùng…