Giúp người nghiện tự cứu mình khi chưa muộn
Xã hội - Ngày đăng : 08:50, 14/12/2019
Lạc lối vì... muốn thử
Trong số những học viên đang điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng, thì Hoàng Minh P., đến từ huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng) là người trẻ nhất. Mới 22 tuổi, Minh P. đã sử dụng ma túy hơn 5 năm và nhiều lần phải đi cai nghiện...
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về quãng thời gian lạc lối của bản thân, Minh P. cho biết, nơi anh sinh sống là một xã vùng biên giới, ma túy xuất hiện ở nhiều nơi và có không ít người sử dụng. Năm học lớp 11, trong một cuộc vui, anh uống rượu say, bạn bè đưa cho viên ma túy tổng hợp và bảo đó là thuốc giải rượu. Tin bạn, anh dùng thử và có cảm giác thăng hoa. Một lần, hai lần, ba lần… thành quen, rồi nghiện lúc nào không biết.
Những lúc không có ma túy đá, Minh P. dùng hêrôin thay thế. Từ một lớp trưởng, học giỏi, khỏe mạnh, được thầy cô, bạn bè yêu mến, Minh P. dần sa sút trong học tập...
"Những người xung quanh biết tôi dùng ma túy, họ đã hết lời khuyên can, phân tích điều hay, lẽ phải, đưa tôi đi cai nghiện nhiều lần, nhưng lần nào tôi cũng làm họ thất vọng. Lần này, tôi tìm đến Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng với hy vọng có thể cai nghiện thành công”, Minh P. nói.
Cùng phòng điều trị cai nghiện với Minh P. là Lê Minh H., 32 tuổi, đến từ huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc), đã sử dụng ma túy 18 năm, từ khi mới 14 tuổi. Theo lời kể, Minh H. là con thứ ba trong gia đình có 4 anh em. Khác với hai anh trai và người em gái luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, Minh H. mải chơi, nghịch ngợm.
Trong một lần cãi lời bố mẹ, Minh H. bỏ nhà đi lang thang. Sống xa gia đình, chỉ sau vài ngày, Minh H. đã bị những người lạ dụ dỗ sử dụng ma túy. Khi gia đình tìm thấy, Minh H. đã nghiện ma túy một thời gian. Liên tục từ năm 2001 đến nay, gia đình luôn ở bên, đưa Minh H. đi điều trị cai nghiện.
“Hiện tại, tôi đang quyết tâm vượt qua sự cám dỗ của ma túy vì bản thân mình, vì những người xung quanh, vì người bạn gái biết rõ tôi sử dụng ma túy nhiều năm vẫn hết lòng yêu thương, chăm sóc”, Minh H. cho hay.
Ngoài hai trường hợp nêu trên, đa số học viên đang điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng cho biết, họ sử dụng ma túy từ khi còn trẻ, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân ban đầu và chủ yếu là do đang ở độ tuổi chưa đủ sự chín chắn, trưởng thành, nhưng lại muốn khẳng định bản thân. Khi bị lôi kéo sử dụng những chất lạ, họ muốn thử… cho biết.
Đồng hành trên nẻo đường trở về
Trao đổi với chúng tôi, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hà Anh - người phụ trách chuyên môn Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng cho biết, đa số người đi cai nghiện tự nguyện có tinh thần, động lực để cai, đồng thời gia đình luôn ở bên cạnh quan tâm, giúp đỡ. Do đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ về chuyên môn, cơ sở đặc biệt chú trọng tới việc động viên tinh thần, tiếp thêm động lực, giúp học viên củng cố thêm niềm tin, quyết tâm cai nghiện, hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Theo hướng này, hằng ngày học viên điều trị cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng được khám sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ cắt cơn, giải độc… Cùng với đó, học viên được hỗ trợ phục hồi bằng cách tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, tập luyện phục hồi chức năng. Cuối đợt điều trị, học viên được hướng dẫn cách phòng, chống tái nghiện, tư vấn kỹ năng hòa nhập cộng đồng.
Là học viên đang điều trị cai nghiện, anh Cao Đại L., cho biết: “Sau hai tuần điều trị, tôi thấy sức khỏe cải thiện từng ngày; tư tưởng, tinh thần thoải mái hơn. Lúc tỉnh táo, tôi đã tự hỏi bản thân, khi các con tôi lớn lên, chứng kiến cảnh bố vật vã vì ma túy, bị bạn bè xa lánh thì tương lai của các cháu sẽ thế nào? Để trả lời câu hỏi này, không có cách nào khác là tôi phải cai nghiện ma túy thành công. Tôi đã suy nghĩ thông suốt và sẽ cố gắng thực hiện cho bằng được”.
Với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ cán bộ, bác sĩ tận tình, giỏi chuyên môn, cùng thời điểm, Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng có thể tiếp nhận, điều trị cho 50 học viên. Nhưng, để bảo đảm chất lượng điều trị, cơ sở thường chỉ tiếp nhận dưới 40 học viên.
Hoạt động theo Giấy phép số 03/LĐTBXH-GPHĐCNMT, ngày 5-6-2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng đã hỗ trợ điều trị cho gần 15.000 lượt người sử dụng ma túy, trong đó có 70% học viên ở Hà Nội. Sau điều trị, nhiều người đã nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng.
Từ kinh nghiệm hỗ trợ điều trị cai nghiện, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng Trương Đức Quỳnh đánh giá, độ tuổi của người sử dụng ma túy ngày càng trẻ. Tác hại do ma túy gây ra rất nghiêm trọng. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên dành thời gian quan tâm đến con cái, nhất là trong độ tuổi từ 13 đến 17 tuổi. Không may có con sử dụng ma túy, các gia đình nên động viên, khích lệ và đưa đi điều trị cai nghiện càng sớm càng tốt.