Sức sống văn học Nga
Sách - Ngày đăng : 06:44, 14/12/2019
Những tựa sách đi theo năm tháng
Nhiều cuốn nhật ký chiến trường hay sổ tay của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đều ghi câu văn bất hủ của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy: “Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Văn học Nga với chất lãng mạn cách mạng, với cảm hứng yêu nước ngập tràn trong từng tác phẩm, đã đi sâu vào thế giới tinh thần của nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Ở một thị trường sách hiện đang bung nở quá nhiều thể loại đến từ nhiều nền văn học khác nhau, độc giả trẻ đa số chỉ biết đến văn học Nga qua một số tác phẩm được giới thiệu trong sách giáo khoa. Nhưng thế hệ 7x trở về trước rất nhiều người đã lớn lên cùng văn học Nga. Những năm 1950 - 1980 là thời kỳ hoàng kim của văn học Nga ở Việt Nam. Do rào cản ngôn ngữ, nhiều tác phẩm văn học Nga đến với bạn đọc Việt qua các bản dịch tiếng Pháp và tiếng Trung, nhưng số tác phẩm được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam không hề ít, lên tới gần 1.000 đầu sách với số lượng phát hành trung bình là 3 vạn bản, thậm chí có đầu sách 8 vạn bản, với tác phẩm kinh điển còn lên tới 12 vạn bản. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, “ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lượng tác phẩm văn học Nga đã dược dịch khá nhiều. Thi phẩm Đợi anh về của K.Simonov do nhà thơ Tố Hữu dịch qua bản tiếng Pháp đã trở thành một hiện tượng văn học nổi bật và được nhiều người yêu thích”.
Văn học Nga (hay văn học Xô viết, tương ứng với một thời kỳ lịch sử của Liên bang Xô viết) đến với người dân Việt bằng rất nhiều thể loại. Đó là các tượng đài thi ca như Puskin, Olga Bergon, Mayakovsky, Simonov... Là những nhân vật thiếu nhi hết sức đặc biệt trong Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, Bác sĩ Aibôlít, Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện li kì của Buratino, Vichia Maleev ở nhà và ở trường, Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia, Con bim trắng tai đen… Là những câu chuyện của tuổi thiếu niên và rung động đầu đời khó quên trong Timur và đồng đội, Cánh buồm đỏ thắm, Chiếc nhẫn bằng thép, Chó hoang Dingo, Người thầy đầu tiên, Tuổi mười bảy, Mối tình đầu… Là những khúc hát đầy chất thơ trong Bông hồng vàng và bình minh mưa, Dagestan của tôi, Truyện núi đồi và thảo nguyên…, những bài ca cách mạng trong Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, Hải âu, Một người chân chính…, những câu chuyện gia đình trong Thời thơ ấu, Kiếm sống, Tuổi thơ mãi mãi cùng ta, Cha và con…, những bức tranh hiện thực trong Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Một ngày dài hơn thế kỷ... Hàng loạt các tác giả tác phẩm nổi tiếng lần lượt được giới thiệu với độc giả Việt Nam như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Đêm trắng, Những lối đi dưới hàng cây tăm tối, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ…
Những tựa sách này đã nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Tiếp nối dòng chảy văn học Việt - Nga
Bên cạnh việc mang các tác phẩm văn học Nga đến với bạn đọc Việt Nam, ở chiều ngược lại, hàng trăm tác phẩm văn chương Việt Nam cũng tìm đường đến với “xứ sở Bạch dương”.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, cho biết: “Với sự góp sức của đội ngũ dịch giả người Nga và người Việt, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Nga, trong đó có những tác phẩm có giá trị lớn như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Nhật ký trong tù (Chủ tịch Hồ Chí Minh), đặc biệt là bộ sách văn học Việt Nam gồm 15 tập”. Trong vòng 20 năm (từ 1965 - 1985), các tác phẩm ở nhiều thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, văn học dân gian, truyện Nôm khuyết danh, thơ chữ Hán, truyện cổ tích qua các thời kỳ cổ đại, cận đại của Việt Nam đã được nghiên cứu và dịch một cách có hệ thống sang tiếng Nga.
Tuy nhiên, từ thập niên 1990, sự giao lưu văn học Việt - Nga đã bắt đầu chững lại. Ngoại trừ tái bản các tác phẩm nổi tiếng, rất ít đơn vị xuất bản Việt giới thiệu đầu sách mới đến từ văn học Nga. Tương tự, trong nhiều năm liền, hầu như không có một tác phẩm văn học Việt Nam nào được dịch ra tiếng Nga, các trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Nga bị thu hẹp lại do thiếu kinh phí và chương trình đào tạo.
Sau nhiều năm trầm lắng, từ khoảng năm 2000 trở lại đây, ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Nga được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Đánh thức văn học Nga ở thị trường sách Việt Nam, một dự án dịch và xuất bản của Tổng thống Liên bang Nga được khởi động từ năm 2012 với sự ra đời, đi vào hoạt động của Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Nga - văn học Việt Nam. Hàng chục đầu sách đã được “xuất xưởng” ở Việt Nam, từ các tác phẩm kinh điển của Dostoevsky, Lev Tolstoy, Sergey Esenin... đến các tuyển tập kịch Khu rừng, chuyên khảo Cơ sở lý thuyết dịch đại cương, truyện Con gái Ivan mẹ Ivan, tiểu thuyết Sông Ugrum nghiệt ngã, Đôi cánh…
Ở chiều ngược lại, các tập sách văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nga như Cây ngải trên núi, Hồn bướm mơ tiên, đặc biệt là Truyện Kiều do dịch giả Vũ Thế Khôi chuyển ngữ từ bản Kiều cổ nhất. Theo dịch giả Thúy Toàn, các tác phẩm được chọn giới thiệu với bạn đọc trong khuôn khổ Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Nga - văn học Việt Nam không chỉ giới thiệu văn học Việt - Nga thời “đỉnh cao” của quá khứ, mà còn cả hiện tại và tương lai. Đồng quan điểm, bà Natalia Shafinskaya - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga - bày tỏ “mong rằng các nhà nghiên cứu, các dịch giả dành sự chú ý nhiều hơn đến các tác phẩm đương đại, qua đó cung cấp cho bạn đọc ở hai nước những thông tin cuộc sống hiện nay”.
Nối dài dòng chảy giao lưu văn học Nga - Việt không chỉ trong việc xuất bản sách mà còn là sự trở lại ngày càng nhiều các hội thảo văn học, tọa đàm ra mắt sách, giao lưu tác giả. Những hoạt động này cũng là cách khắc phục những hạn chế lâu nay khi công tác quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học còn chưa được quan tâm đúng mức.