Sản xuất ô tô hạn chế, công nghiệp phụ trợ khó phát triển
Xe++ - Ngày đăng : 08:03, 16/12/2019
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến nay, các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã có tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa. Tuy nhiên, với xe cá nhân 9 chỗ ngồi trở xuống, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Mục tiêu đề ra là tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới chỉ được bình quân khoảng 7-10%. Một số doanh nghiệp lớn có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn mức bình quân, như Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng chỉ từ 15 đến 18%, Toyota Việt Nam 37%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Ngay cả với một số chủng loại xe, như xe tải, xe khách... có tỷ lệ nội địa hóa 50-55%, cũng chỉ có số ít nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho đơn vị sản xuất, láp ráp ô tô. So với Thái Lan, hiện có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2 cung ứng phụ kiện cho sản xuất ô tô thì Việt Nam có chưa đến 100 đơn vị cấp 1 và 150 đơn vị cấp 2. Nguyên nhân là hệ thống chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô còn thiếu nhất quán và sự ổn định để mang lại hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhìn nhận, ngành công nghiệp ô tô vẫn còn nhiều hạn chế như phát triển chậm cả về chất lượng và số lượng so với các quốc gia trong khu vực, chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, vì thế công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp.
Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VAMA, sản lượng của ngành công nghiệp ô tô là yếu tố quyết định cho sự phát triển của các nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ. Khi sản lượng xe trong nước quá nhỏ, nhà sản xuất chủ động nhập khẩu linh kiện lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ không phát triển được, dẫn tới giá thành ô tô tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực.
Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) nêu ý kiến, nên xem xét áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, bởi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã bằng 0% từ năm 2018. Nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá xe sản xuất trong nước. Thaco cũng đề nghị sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ô tô về 0%.
Còn ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Công (TC Motor) cho rằng, để các doanh nghiệp ngành ô tô đạt được mục tiêu chiến lược phát triển ngành đề ra, cần các chính sách ưu đãi, hỗ trợ như một đòn bẩy. “Nhà nước không nên tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và linh kiện phụ để sản xuất linh kiện nội địa hóa trong nước; điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị nội địa hóa ô tô, áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, cần đưa sản phẩm ô tô vào danh mục "sản phẩm công nghệ cao" để khuyến khích phát triển”, ông Lê Ngọc Đức kiến nghị.
Để tạo đà phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, điều kiện quan trọng là phải có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp ô tô, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.