Chuyện dài hướng nghiệp

Giáo dục - Ngày đăng : 17:55, 16/12/2019

(HNNN) - Công tác tư vấn hướng nghiệp gồm hai nội dung chính, một là tuyên truyền, hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, tư vấn chọn nghề; hai là cung cấp thông tin, dự báo chính xác về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực cho việc chọn ngành nghề.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tư vấn hướng nghiệp mới chỉ tập trung ở nội dung thứ nhất mà chưa coi trọng đúng mức đến nội dung thứ hai. Đó là vấn đề cần sớm khắc phục để công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh phát huy hiệu quả thực sự ngay từ cấp học trung học cơ sở (THCS).

Chương trình giáo dục hướng nghiệp sẽ gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Nguồn: Internet

Vẫn là vấn đề nhận thức

Bên lề Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và việc làm năm 2019 với chủ đề “Khơi nguồn lực, đón thành công”, Nguyễn Doãn Mạnh, sinh viên năm thứ tư chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, chia sẻ: “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp rất bổ ích nhưng cần có thêm nhiều thông tin chia sẻ cả trước và sau học nghề, làm nghề để giúp thanh niên có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp với năng lực”.

Thông tin trên 50% sinh viên được cha mẹ “chỉ định” nghề, khoảng 20% do bạn bè, người thân tư vấn... và chỉ có trên 10% tự chọn nghề dựa trên sở thích, năng lực, không chỉ khiến Mạnh và nhiều bạn trẻ mà còn làm cho không ít người lớn phải giật mình. Đó là chưa kể tới thông tin trên 30% sinh viên thừa nhận không hứng thú với ngành đang học, khoảng 50% sinh viên cho biết khi ra trường có thể sẽ không làm đúng ngành được đào tạo...

Nhưng với những người trong ngành, thông tin đó không có gì mới. Trong nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 (và nhiều năm học trước đó) của ngành Giáo dục và Đào tạo, công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS luôn được xác định là một nhiệm vụ chủ yếu. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt hiệu quả mong muốn. Ngoài những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến hiệu quả công tác hướng nghiệp thì còn có cả nguyên nhân chủ quan từ phía người học và cơ sở giáo dục.

Về phía người học, vấn đề lớn nhất là nhiều người chưa có nhận thức đúng ngay từ lúc chọn nghề, sau đó là thiếu quyết tâm học tập, gắn bó với nghề nghiệp đã chọn, đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan... Khi học nghề ở cấp học phổ thông, không ít học sinh chỉ nhằm mục đích lấy điểm cộng cho xét tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào trung học phổ thông (THPT) nên học hành không đến nơi đến chốn và không thể hành nghề. Đó là chưa kể tâm lý không muốn học nghề, xem học đại học mới là “cánh cửa” rộng mở để bước vào đời.

Theo Tiến sĩ Phạm Khắc Chương (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), nhận thức về công việc, về nghề nghiệp luôn rất quan trọng. Khi và chỉ khi xác định mục tiêu nghề nghiệp đúng đắn, cộng với quyết tâm cao thì mới có thể thành công.

Về phía các cơ sở giáo dục và xã hội, do vẫn chạy theo đáp ứng tư tưởng trọng bằng cấp nên chưa coi trọng công tác giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh, nhất là đối với những học sinh ít có điều kiện, khả năng học cao hơn. Từ đó dẫn tới việc phân luồng học sinh THCS, THPT không sát, không theo nhu cầu xã hội. Hầu hết giáo viên kiêm nhiệm nội dung hướng nghiệp chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hướng nghiệp, dạy nghề ở cấp học phổ thông còn thiếu và lạc hậu. Ở tầm vĩ mô, sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội còn chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Hào, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Sơn Tây (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Sơn Tây), khi chọn nghề, các bạn trẻ không chỉ cần nắm bắt đúng nhu cầu thị trường, quan tâm đến mức thu nhập, cơ hội phát triển... mà phải chú ý đến năng lực bản thân, phải tổng hòa được “cái tôi” (sở thích, năng lực của cá nhân cụ thể) với yêu cầu xã hội để chọn nghề yêu thích và có thể làm tốt, làm lâu dài.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Học sinh THPT trao đổi, tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp tương lai.

Từ khi Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14-5-2018, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” được ban hành, các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục đã nâng cao nhận thức và phấn đấu thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được những yêu cầu, chỉ tiêu đề ra. Theo ông Nguyễn Văn Đạo, nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, dạy nghề huyện Phúc Thọ (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phúc Thọ), các giải pháp đề ra đã rõ, đúng, trúng, vấn đề là quyết tâm và cách thức tổ chức thực hiện.

Để có thể thay đổi nhận thức của học sinh và cả phụ huynh về định hướng nghề nghiệp, về học nghề thì các cấp chính quyền, các ngành, các nhà trường, các cơ sở giáo dục... cần có những hoạt động thực tiễn, bổ ích. Sự phối hợp giữa ngành Giáo dục với các ban, ngành hữu quan về tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm... cần được tăng cường. Chính quyền các cấp đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; huy động các nguồn lực tham gia công tác hướng nghiệp; hàng năm có thông báo định hướng sử dụng nguồn nhân lực với các ngành nghề...

Các trường dạy nghề thì không “bắc nước chờ gạo” mà chủ động tổ chức ngày hội tư vấn lưu động để cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo, khả năng tìm kiếm việc làm sau ra trường đối với học sinh, phụ huynh. Các nhà trường, cơ sở giáo dục phải tổ chức dạy học gắn với thực hành và thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương. Trên cơ sở đó, trước hết giới thiệu cho học sinh về nhu cầu việc làm của địa phương, sau đó là của cả nước, về các ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực cá nhân mỗi học sinh. Cùng với việc hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp, mỗi nhà trường cần tạo điều kiện để giáo viên nắm được tình hình cụ thể của các trường dạy nghề (cơ sở vật chất, các ngành nghề, năng lực đào tạo...) nhằm tư vấn, hướng nghiệp học sinh.

Từ góc nhìn quản lý giáo dục cấp huyện, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, đề xuất: Phân luồng học sinh sau THCS phải vừa mang tính chất định hướng từ phía nhà trường vừa phải căn cứ vào nguyện vọng của học sinh. Nhà trường không vì áp lực thành tích mà áp đặt chỉ tiêu cho giáo viên. Trong thế giới phẳng hiện nay, học sinh và phụ huynh cũng có nhiều kênh thông tin tham khảo, do đó, việc tư vấn, định hướng càng phải kỹ càng, chính xác, đúng và trúng. Để chủ trương thành hiện thực cũng phải nâng cao trách nhiệm của các cấp quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp, có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên, khuyến khích phát huy tối đa năng lực, sở trường.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa (tiền thân là Trường Đại học Thành Tây), định hướng nghề nghiệp nhằm giúp cho học sinh phổ thông xác định được hướng đi tới tương lai một cách chủ động. Để làm được như vậy, có hai nội dung cần chú ý: Thứ nhất, tăng số tiết dạy hướng nghiệp (hiện còn ít). Thứ hai, tư vấn để học sinh hiểu được cốt lõi của định hướng nghề nghiệp là nắm được yêu cầu của xã hội, từ đó xác định rõ sở thích, năng lực của bản thân và nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của xã hội.      

Thùy Liên